Bồi hồi ngắm lại ảnh xưa của "Thảo Cầm Viên Sài Gòn" trước năm 1975 - "Vườn bách thảo" lâu đời nhất Việt Nam _ NXCC

   

Thảo Cầm Viên Sài Gòn hay còn được gọi là sở thú, là công viên Bách Thảo - Vườn Thú nổi tiếng đất Sài Thành. Đây còn là vườn thú lâu đời thứ 8 trên thế giới.

Thảo Cầm Viên bắt đầu được xây dựng năm 1865. Trước đó, nó có tên là Vườn Bách Thảo. Đến năm 1956, nơi nay được tu sửa, tái thiết và đổi tên là Thảo Cầm Viên Sài Gòn.

 
Cho đến những năm 1990, Thảo Cầm Viên vẫn là địa điểm vui chơi, thư giãn cuối tuần của người dân Sài Gòn và những tỉnh lân cận. Đặc biệt là trước năm 1975, nơi đây luôn tấp nập người đến, từ người già đến trẻ nhỏ, nam thanh nữ tú. Hoạt động vui chơi, buôn bán ở đây diễn ra vô cùng nhộn nhịp.
Tuy nhiên, khi mô hình vui chơi kết hợp như Đầm Sen và Suối Tiên ra đời, sở thú ngày càng vắng khách dù sở hữu địa thế đẹp ngay Trung tâm thành phố.
Từ cổng Thảo Cầm Viên nhìn vào sẽ thấy Viện Bảo Tàng ở bên tay trái. Đây chính là giao lộ của đường Nguyễn Bỉnh Khiêm và Đại lộ Norodom xưa. Năm 1955, Norodom được đổi tên thành đại lộ Thống Nhất, chính là đường Lê Duẩn ngày nay.

Viện Bảo Tàng xây dựng năm 1927, hai năm sau được khánh thành. Tên ban đầu của nó là Boả tàng Pacha Đa Lagos. Ngày 16/05/1956, theo Nghị định 321-GD/NĐ, Bảo tàng Pacha Đa Lagos đổi tên thành Viện bảo tàng Quốc gia Việt Nam thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục.

Ngày 3/9/1958, Viện bảo tàng Quốc gia Việt Nam chính thức mở cửa đón khách tham quan. Cạnh Viện bảo tàng là một ngôi đền. Ban đầu, người Pháp xây dựng ngôi đền để tưởng niệm những người Việt đã tử trận trong Thế chiến thứ nhất vì đi lính cho Pháp. Do đó, nơi đây trước kia được gọi là Đền Kỷ Niệm.


Sau năm 1954, đền được đổi tên là Đền Quốc Tổ Hùng Vương, thờ thêm một số nhân vật lịch sử khác như Lê Văn Duyệt, Trần Hưng Đạo. Đến năm 1975, nơi này được đổi tên thành Đền Hùng Vương.

Cạnh ngôi đền là tượng voi bằng đồng cao 1,5m, nặng khoảng 1 tấn đặt trên một cái bệ hình chữ nhật cao 1,6m. Đây là món quà mà vua Thái Lan Paramindr Maha Prajadhipok tặng cho triều đình nhà Nguyễn thập niên 1930.

Bức tượng là một công trình nghệ thuật mang ý nghĩa biểu tượng cho tình hữu nghị Việt Nam - Thái Lan. Năm 1934, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã gửi bản thiết kế, dự toán sơ bộ và ảnh minh hoạ tượng voi. Lúc bấy giờ, toàn quyền Đông Dương đã yêu cầu Thống đốc Nam Kỳ chọn một địa điểm rộng rãi để đặt tượng. Sau các cuộc thảo luận, hội đồng Chính quyền Sài Gòn - khu vực Chợ Lớn quyết định đặt bức tượng này trước Đền Kỷ Niệm bên trong Thảo Cầm Viên.