Nhạc sĩ Hoàng Nguyên
Sau Hiệp định Genève, Hoàng Nguyên lên Đà Lạt, dạy học tại Trường Tư thục Tuệ Quang thuộc chùa Linh Quang ở khu số 4 do Thượng tọa Thích Thiện Tấn làm hiệu trưởng. Hoàng Nguyên dạy môn Việt văn và nhạc. Những năm tháng ở đây đã đem lại cho người nhạc sĩ đa tài này rất nhiều cảm xúc dạt dào, ông đã viết lên những ca khúc ca ngợi vẻ đẹp của nơi đây vô cùng nổi tiếng. Một trong số đó có bài hát Ai Lên Xứ Hoa Đào, khi phát hành đã ngay lập tức đi vào kinh điển và trở thành 1 trong 3 ca khúc hay nhất về Đà Lạt thời ấy (nhạc phẩm thứ ba là "Thành phố buồn" của Lam Phương) và cũng là ca khúc nổi tiếng nhất của ông trong những tác phẩm viết về Đà Lạt. Cũng chính vì những bài hát tuyệt vời của ông viết về nơi đây mà ông được mệnh danh là người đội vương miện nhan sắc cho Đà Lạt:
Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi.
Nghe hơi gió len vào hồn người chiều Xuân mây êm trôi.
Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ.
Xuân đi trong mắt biếc lòng dạt dào nên ý thơ.
Nghe tâm tư mơ ước Mộng Đào Nguyên đẹp như chuyện ngày xưa.
Vốn được biết đến là một thành phố ngàn Hoa, Đà Lạt vẫn luôn đẹp đẽ và thơ mộng trong mắt của tất cả mọi người. Và với những người nghệ sĩ nói chung và nhạc sĩ nói riêng, hình ảnh đẹp nhất mà họ muốn đưa vào hồn người chính là hoa anh đào. Với sắc hồng nhẹ nhàng, cánh hoa mỏng manh lả lơi bay trong từng làn gió đúng là đẹp đến xao xuyến lòng người.
Mời quý vị nghe lại ca khúc "Ai Lên Xứ Hoa Đào" Trình bày: Hoàng Oanh, Trung Chinh
Bấm vào để nghe "Ai Lên Xứ Hoa Đào" Trình bày: Hoàng Oanh, Trung Chinh
Mời quý vị nghe lại ca khúc "Ai Lên Xứ Hoa Đào" Trình bày: Mai Thiên Vân
Bấm vào để nghe "Ai Lên Xứ Hoa Đào" Trình bày: Mai Thiên Vân
“Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi” - Cảnh sắc tuyệt vời cùng với không gian yên tĩnh dường như có thể khiến cho bất kỳ ai đặt chân đến nơi đây cũng có thể như là nhạc sĩ Hoàng Nguyên mà nghe được cả tiếng “chiều rơi”, nghe được cả âm thanh của từng “ hơi gió len vào hồn người chiều Xuân mây êm trôi”, và còn cả tiếng của rừng “thông reo bên suối vắng” từng hồi đặt dìu tựa như là “tiếng tơ”. Mùa Xuân ở đây sao mà đẹp đến lạ thường, sự đẹp đẽ ấy được hòa quyện bởi cả cảnh vật cùng với không gian làm cho đôi mắt của kẻ ngắm nhìn cũng trở thành “mắt biếc”, và lòng cũng “dạt dào nên ý thơ” mà “nghe tâm tư mơ ước Mộng Đào Nguyên đẹp như chuyện ngày xưa” - Đây cũng chính là một lời khẳng định rằng nơi đây chính là tiên cảnh của chốn nhân gian, đi đến nơi đây cũng như là được bước vào “Mộng Đào Nguyên” mà trong truyền thuyết vẫn được nhắc đến.
Vậy cho nên là “ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường hoa”, từng cánh hoa sẽ “bay đến bên người ngại ngần rồi hoa theo chân ai” khiến cho tâm hồn mình không thể ngừng xao xuyến. Tâm hồn ta sẽ quên hết đi tất cả mọi thứ trên trần gian, những khó khăn, những thử thách và cả những khổ đau trong cuộc đời để chìm đắm vào cảnh sắc của nơi này cùng với những cánh hoa mong manh đẹp xinh, những cánh bướm chập chờn quấn lấy muôn sắc hoa, quấn luôn cả lòng người, rồi những làn sương khói mờ áo khiến cho lòng ta lâng lâng. Và cứ bước, tiếp bước, tâm hồn ta cũng “lạc dần vào quên lãng” - “đường hoa lặng bước trong lãng quên”.
Ai lên xứ hoa đào đừng quên bước lần theo đường hoa.
Hoa bay đến bên người ngại ngần rồi hoa theo chân ai.
Đường trần nhìn hoa bướm rồi lòng trần mơ bướm hoa.
Lâng lâng trong sương khói rồi bàng hoàng theo khói sương.
Lạc dần vào quên lãng rồi đường hoa lặng bước trong lãng quên.
Lòng bồi hồi, xao xuyến khiến cho nhạc sĩ không kìm được lòng mà thốt lên “Ôi! Màu hoa đào!” - màu hoa đào ấy chính là màu của sắc xuân, của niềm vui, sự tươi mới và hy vọng được mở ra trong cuộc đời, là màu đẹp dịu dàng như màu “môi hồng người mình yêu”, cũng là màu mà khiến cho biết bao nhiêu lữ khách vô số lần “lắng hồn thơ dừng chân lãng du”. Lời nào có thể diễn tả được hết đây, vẻ đẹp của nơi này?
Ôi! Màu hoa đào, màu hoa đào chiều Xuân nào.
Ôi! Màu hoa đào như môi hồng người mình yêu.
Ôi! Màu hoa đào đã bao lần vì màu hoa
mà lữ khách lắng hồn thơ dừng chân lãng du.
Ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa.
Cho tôi bớt mơ mộng chiều chiều nhìn mây trôi xa xa.
Người về từ hôm nao mà lòng còn thương vẫn thương.
Bao nhiêu năm tháng cũ mà hồn nào thôi vấn vương.
Giờ này nhìn sương khói mà thầm mơ màu hoa trên má ai.
Có lẽ phải những ai đã từng đặt chân đến đây mới có thể cảm nhận được trọn vẹn cái cảm giác như được bước vào chốn mộng cảnh như vậy. Và như muốn để níu kéo, giữ gìn cái cảm giác, cảm xúc tuyệt vời ấy, nhạc sĩ mới nói rằng “ai lên xứ hoa đào đừng quên mang về một cành hoa” - để mà biết rằng đó là hiện thực chứ không phải là một giấc mơ, để “chiều chiều nhìn mây trôi xa xa” ta biết rằng mình đã từng được lạc vào chốn tiên cảnh nên sẽ bớt đi những mơ mộng. Và cũng vì thế mà “người về từ hôm nao mà lòng còn thương vẫn thương”, vẫn luôn không ngừng vấn vương, không ngừng nhớ thương về chốn hoa đào ấy, và cũng nhớ luôn cả người con gái mà ta luôn “thầm mơ màu hoa trên má ai” cả một đời.
Xứ Hoa Đào ấy khiến cho nhạc sĩ Hoàng Nguyên được chìm đắm trong những cảm xúc tuyệt diệu mà dường như ông chưa từng có được ở bất kỳ một nơi nào khác. Vì thế nên trong ông, đó là một nơi không bao giờ có thể quên được. Và có lẽ muốn tất cả mọi người đều cảm nhận được điều đó ông đã nhắn nhủ tất cả mọi người rằng Ai Lên Xứ Hoa Đào là sẽ được bước vào chốn tiên cảnh của thế gian. Một tiên cảnh của chốn trần gian sẽ khó có thể bắt gặp được ở những nơi khác trên dòng đời.