Cảm nhận ca khúc "Ai Ra Xứ Huế" (Duy Khánh) - Bức tranh đẹp đẽ về một Huế thu nhỏ trong lòng của một người con xa quê _ NXCC

   

Duy Khánh là một nam ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng trong làng tân nhạc Việt Nam, ông sinh năm 1939, tên thật Nguyễn Văn Diệp, ngoài nghệ danh nổi tiếng Duy Khánh ông còn có một vài nghệ danh khác là Tăng Hồng, Hoàng Thanh.

Ông khởi nghiệp là một ca sĩ từ năm 1954, rồi mới chuyển qua viết nhạc từ những năm đầu thập niên 60. Và là một người con Quảng Trị chân chính - một miền quê nghèo “khô cằn sỏi đá”, một miền quê ngào đầy nắng và gió.

Tuy nhiên khi đã thành danh, nổi tiếng toàn quốc với hàng triệu khán thính giả ái mộ, người ca sĩ đẹp trai, cao lớn này đã không chối bỏ mà còn rất hãnh diện về gốc tích quê hương nghèo khổ của mình: “Tôi sinh ra giữa lòng miền Trung, miền thùy dương, ruộng hoang nước mặn đồng chua, thôn xóm tôi sống đời dân cày” như được diễn tả trong nhạc phẩm “Tình Ca Quê Hương”.

Suốt cuộc đời và sự nghiệp của mình, trong mắt khán giả yêu nhạc, ông đã trở thành một biểu tượng cho lòng thủy chung, tha thiết yêu quê hương vô cùng, và là niềm tự hào của tất cả những con người miền trung thân yêu. 

Nhạc sĩ Duy Khánh

 Ngoài những sáng tác dành tặng cho quê hương, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Ông còn có những sáng tác để đời dành cho mảnh đất mộng mơ - xứ Huế. Nơi đây như là quê hương thứ hai đã nuôi dưỡng những năm tháng thời niên thiếu của ông (sau khi hoàn thành chương trình tiểu học, ông được gia đình cho vào huế tiếp tục chương trình học trung học). Một trong số những nhạc phẩm nổi tiếng nhất mà ông viết về nơi này có thể nhắc đến là Ai Ra Xứ Huế:

Ai ra xứ Huế thì ra.
Ai về là về núi Ngự.
Ai về là về sông Hương.
Nước sông Hương còn thương chưa cạn ơ
Chim núi Ngự tìm bạn bay về.
Người tình quê ơi! Người tình quê, thương nhớ lắm chi?

Bài hát bắt đầu bằng những ca từ thiết tha “Ai ra xứ Huế thì ra/ Ai về là về núi Ngự/ Ai về là về sông Hương” - Những câu ca ấy như là một lời mời gọi của một người con của xứ Huế mộng mơ đến mọi người vậy.

Người ấy (xin phép trong bài viết này sẽ sử dụng hình ảnh của một chàng trai, như là nhạc sĩ Duy Khánh), mời mọi người đến thăm quê hương của mình, mời “về núi Ngự”, rồi lại “về sông Hương” - Vẻ đẹp của nơi đây, có lẽ anh muốn mọi người tận mắt nhìn thấy mới có thể hiểu, có thể cảm nhận và biết rằng nó đẹp đến nhường nào. Đẹp đến nỗi mà dù cho có đi đâu về đâu anh cũng không bao giờ có thể nguôi được những nỗi niềm thương nhớ - “Nước sông Hương còn thương chưa cạn ơ/ Chim núi Ngự tìm bạn bay về”.

Và phải đặt chân đến chốn này mọi người mới có thể thấu hiểu hết được cái gọi là tình người, cái gọi là hương vị tình quê - “Người tình quê ơi! Người tình quê, thương nhớ lắm chi?"

Mời quý vị nghe lại ca khúc “Ai Ra Xứ Huế” Trình bày: Duy Khánh

Bấm vào giữa hình trên để nghe “Ai Ra Xứ Huế” Trình bày: Duy Khánh

 

 Mời quý vị nghe lại ca khúc “Ai Ra Xứ Huế” Trình bày: Quang Lê, Ngọc Hạ

Bấm vào giữa hình trên để nghe “Ai Ra Xứ Huế" Trình bày: Quang Lê, Ngọc Hạ

Và “ai ra xứ Huế thì ra”, ra thì phải nhớ ghé “về Vĩ Dạ”, rồi ghé “Nam Giao”. Về những nơi đó, mọi người mới có thể cảm nhận được thế nào là “Dốc Nam Giao còn cao mong đợi”, mới biết thế nào là “trăng Vĩ Dạ còn gợi câu thề”, và cũng sẽ cảm nhận sâu sắc được những tình cảm con người của nơi đây, cảm nhận được vì sao họ lại yêu tha thiết, lại nặng tình thấm đượm hai chữ quê hương, rồi nhớ, rồi thương, rồi vấn vương cả đời… như là chính bản thân anh.

Ai ra xứ Huế thì ra.
Ai về là về Vĩ Dạ.
Ai về là về Nam Giao.
Dốc Nam Giao còn cao mong đợi ơ
Trăng Vĩ Dạ còn gợi câu thề.
Người tình quê ơi! Người tình quê có nhớ xin trở về.

Đến nơi đây, ngắm nhìn dòng sông, rồi nghe một câu hò Huế:
À ơi à ơi !
Chứ cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
Thương nhau rồi xin kịp về mau
À ơi ơi à! Ơ ơi!
Kẻo mai tê bóng xế qua cầu
Bạn còn thương bạn chứ biết gửi sầu về nơi mô
À ơi ơi à!

Mọi người sẽ cảm nhận được cái nhẹ nhàng, cái truyền thống lâu đời của mảnh đất này. Trong lòng của mọi người có thể sẽ miên man một cảm xúc nhẹ nhàng, êm đềm như dòng sông Hương, một chút cổ kính, cũ xưa như “cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp” đã được dựng xây từ lâu đời, rồi một chút ngọt ngào, một chút dịu dàng, và có cả một chút bình yên. Những điều đó, con người nơi đây đều có cả, đó là tình cảm gắn kết vô cùng của tình quê, tình người… 

Và dường như, đâu đó thấp thoáng, miên man là một nỗi buồn vấn vương theo năm tháng, buồn từ trong câu hò, câu hát vọng về miên man trong làn gió “À ơi ơi à! Ơ ơi! Kẻo mai tê bóng xế qua cầu/ Bạn còn thương bạn chứ biết gửi sầu về nơi mô. À ơi ơi à!” 

Ai ra xứ Huế thì ra.
Ai về là về Bến Ngự.
Ai về là về Vân Lâu.
Bến Vân Lâu còn sâu thương nhớ.
Thuyền Bến Ngự còn đợi khách về.
Người tình quê ơi! Người tình quê, có nhớ xin trở về.

Nơi đây đẹp lắm, êm đềm lắm, nên “Ai ra xứ Huế thì ra”, có ra thì nhớ bớt lại chút thời gian mà ghé “về Bến Ngự” và “về Vân Lâu”, để có thể cảm nhận được hết tất thảy những cảm xúc mà anh muốn truyền đạt đến mọi người. Để hiểu được như thế nào là “bến Vân Lâu còn sâu thương nhớ”, và biết được như thế nào là “thuyền Bến Ngự còn đợi khách về”...

Đó chính là tình yêu, tình quê tồn tại vĩnh cửu trong lòng anh, để đến khi lớn lên, đến khi già đi anh vẫn luôn còn tâm niệm, vẫn còn nhớ mãi không bao giờ quên.

Ai Ra Xứ Huế của nhạc sĩ Duy Khánh như là một bức tranh phác họa đầy đủ một Huế thu nhỏ trong lòng của một người con xa quê, đẹp đẽ, mộng mơ và vẫn vương vô cùng một niềm thương, nỗi nhớ, và cả một nỗi buồn xa xăm, nỗi buồn vì phải xa rời nơi quê hương mà bản thân mình luôn luôn yêu mến. Nhưng dù rời đi thì cũng có ngày sẽ trở về mà thôi, vì tình yêu của anh dành cho nơi đây là mãi mãi, và anh sẽ luôn nhớ, luôn thương, luôn hy vọng và tin tưởng rằng ngày trở về sẽ đến, không còn xa.