Những ngày chưa nhập ngũ anh hay dắt em về
vùng ngoại ô có cỏ bông may.
Đó là một cuộc dạo chơi rất đỗi lãng mạn của “chàng nhạc sĩ” mang tên Trúc Phương cùng với người yêu của mình, những ngày khi mà anh còn chưa bước chân vào quân đội. Cuộc dạo chơi đó đã ở lại trong lòng của khán giả yêu nhạc yêu nhạc từ khi nó ra đời cho đến nay với cái tên cũng lãng mạn không kém Bông Cỏ May.
Bông Cỏ May được ra đời vào khoảng giữa thập niên 1960. Thông qua một số tư liệu tôi được biết, cũng như qua thông tin từ một số người thân của nhạc sĩ Trúc Phương, thì bài hát này ông sáng tác lúc ông đang là một người lính đóng quân ở Đồng Xoài.
Nhạc sĩ Trúc Phương
Và có lẽ thì nhạc sĩ Trúc Phương là cái tên không còn xa lạ với những khán giả yêu nhạc vàng như chúng ta đúng không? Ông tên thật là Nguyễn Thiên Lộc, sinh năm 1933 tại Mỹ Hòa, Trà Vinh, và là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của dòng nhạc vàng Việt Nam vào trước năm 1975.
Ông bắt đầu hoạt động văn nghệ của mình vào cuối những năm của thập niên 1950 tại Ty Thông tin tỉnh Vĩnh Bình. hai sáng tác đầu tay của ông được ra mắt vào năm 1957 và cũng rất nổi tiếng là Tình Thương Mái Lá và Tình Thắm Duyên Quê. Cho đến nay, ông có rất nhiều tác phẩm với giai điệu bolero đã trở thành bất tử như: Nửa Đêm Ngoài Phố, Tàu Đêm Năm Cũ, Thói Đời…
Ngoài ra, ông cũng đã có nhiều tác phẩm khác ca ngợi đời lính gian khổ như: Trên 4 Vùng Chiến Thuật, Kẻ Ở Miền Xa, Người Nhập Cuộc… Nổi bật nhất có lẽ chính là ca khúc mà tôi đã nhắc đến ở trên, Bông Cỏ May:
Những ngày chưa nhập ngũ anh hay dắt em về
vùng ngoại ô có cỏ bông may
Ở đây êm vắng thưa người, còn ta với trời.
Thời gian vào đêm, rừng sao là nến,
khói sương giăng lối cỏ quen.
Bài hát kể về câu chuyện tình của một chàng trai và cuộc đời của anh trước và sau khi bước chân vào chinh chiến. Anh kể rằng, những tháng ngày mà anh “chưa nhập ngũ”, anh vẫn “hay dắt em về vùng ngoại ô có cỏ bông may”. Vùng ngoại ô ấy rất êm đềm với những làn gió mát đang nô đùa trên từng bông cỏ may nhỏ nhắn, mền mại, cũng “vắng thưa người”, nên chỉ có hai người cùng với bầu trời xanh mênh mông ở phía trên cao kia. Hai người đã cùng với nhau dạo chơi trên cánh đồng cỏ may, quấn quýt đến quên đi cả thời gian, trời cũng cứ thế dần vào đêm. Nhưng như thế cũng có xá gì, họ đã có “rừng sao là nến”, dù màn sương có sà xuống, giăng kín lối đi thì đó cũng là “lối cỏ quen”, đã quen thuộc lắm của hai người…
Nghe lại ca khúc "Bông cỏ may" Tác giả: Trúc Phương | Trình bày: Duy Khánh
Bấm vào Video để nghe ca khúc "Bông cỏ may" Trình bày: Duy Khánh
Những tháng ngày ấy, anh đã cảm nhận được sâu sắc vô cùng thế nào là niềm vui, là hạnh phúc dâng trào khi anh được ở cạnh bên người con gái mà mình yêu. Khi đó, anh được cảm nhận mùi “tóc mây thơm mùi cỏ” của cô - mùi hương ấy đã “đưa anh thoát xa dần vùng trần gian với những ưu tư” - Tình yêu của đôi “uyên ương” ấy có lẽ đã đạt đến đỉnh điểm của hạnh phúc, vì thế nên dường như tôi cảm nhận được qua từng câu hát ấy rằng họ đã không còn ngần ngại gì nữa mà trao hết cho nhau tất cả mọi thứ, cả tâm hồn lẫn thể xác - “Cỏ may đan gấu chân tròn, đường tim bước mòn” - hình ảnh hoa cỏ may đan gấu quần đó như chính là minh chứng cho một tình yêu thắm thiết của hai người trong thời gian qua.
Nhiều ca sĩ đã hát nhầm câu hát trên thành “Cỏ may đan dấu chân tròn, đường đi bước mòn” - nhưng nếu hiểu được ý của bài hát từ đầu đến cuối thì có lẽ sẽ không có sự nhầm lẫn như vậy (chưa kể việc một bàn chân bình thường thì không thể in được dấu tròn được). Để hiểu được sâu hơn, mọi người cần hiểu được bông cỏ may là gì. Đó là một loại cỏ sống lâu năm, mọc hoang dại theo dạng bò và lan ra khắp một vùng, chồng chéo nhau. Khi ra hoa thì mọc thẳng lên trời và chia ra thành những bông nhỏ chỉa ra xung quanh cành hoa thẳng. Hoa thường có màu tím bạc, và nếu chúng ta đi lướt qua hay đụng phải nó, những bông hoa nhỏ ấy sẽ bấu víu vào bất kể đâu trên quần áo của chúng ta. Nó là một loài hoa mà chẳng ai gieo trồng, cũng chẳng ai sớm hôm chăm chút cắt tỉa, mặc bão táp mưa sa, nó vẫn sống dai dẳng và lan nhanh hơn bất cứ loài hoa cỏ nào. Người đời vẫn cho rằng, nó là một loài hoa không hương, không sắc, một loài hoa mà ai cũng muốn né tránh.
Nghe lại ca khúc "Bông cỏ may" Tác giả: Trúc Phương | Trình bày: Tuấn Vũ
Bấm vào Video để nghe ca khúc "Bông cỏ may" Trình bày: Tuấn Vũ
Nhưng có lẽ điều đó là hoàn toàn sai, như là nhạc sĩ Trúc Phương đã diễn tả trong bài hát về loài hoa này của mình, nếu như bạn có dịp được đứng trước một cánh đồng cỏ may bao la như vậy, bạn sẽ cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp và hương thương dịu nhẹ, thoang thoảng đến nao lòng người của nó. Và nếu bạn đi trên cánh đồng cỏ may ấy, bạn sẽ “vỡ lẽ” ra được thế nào được gọi là “cỏ may đan gấu chân tròn”
Tóc mây thơm mùi cỏ,
đưa anh thoát xa dần vùng trần gian với những ưu tư.
Cỏ may đan gấu chân tròn, đường tim bước mòn.
Sợ khi người đi để thương, để nhớ
tiếng yêu đương ai nỡ chối từ.
Loài hoa cỏ dại ấy còn có một ý nghĩa rất hay về tình yêu, đó là tình yêu thủy chung của người con gái, và còn có một câu chuyện rất hay về nó. Nhưng đại khái mọi người có thể hiểu rằng hình ảnh hoa cỏ bám chặt không buông vào quần áo của mọi người đi qua chính là tình yêu tồn tại mãi mãi. Và đôi tình nhân trong bài hát cũng vậy, họ cứ bên nhau, trao nhau tình yêu thiết tha, vấn vương không rời vì họ biết rằng, có lẽ mai đây anh sẽ phải đi để lại nơi đây niềm thương và nỗi nhớ vô bờ…
Vợ chồng nhạc sĩ Trúc Phương
Ngày ấy cuối cùng cũng đã đến, anh đã khoác lên mình màu xanh áo lính và lên đường hành quân. Trên con đường hành quân ấy “nắng cháy da người”, anh vẫn luôn vững vàng biết đi, anh hiểu, anh biết rằng cả anh và cô vẫn đang còn trong “tuổi vui”, nhưng vì hoàn cảnh “tuổi vui” đã “thiếu vui” mất rồi, nên anh đi mà lòng vẫn luôn “thương mình thương đời”. Rồi “nhiều khi trong giấc mộng mồ hôi kêu tên em, kêu chỉ một tên” - Những khó khăn, gian khổ trên con đường mà anh đi không bao giờ có thể làm anh quên đi được người mà anh yêu thương, người mà đã ở trong trái tim anh từ rất lâu, rất lâu rồi. Anh nhớ cô, nhớ vô cùng những tháng ngày mà hai người quên hết mọi thứ và cùng với nhau có những phút giây ngọt ngào, hạnh phúc trên đồng cỏ may ấy - nỗi nhớ tràn ngập trong trái tim, trong tâm trí và cả trong những giấc mơ.
Đường hành quân nắng cháy da người,
tuổi vui thiếu vui, vẫn thương mình thương đời.
Nhiều khi trong giấc mộng mồ hôi kêu tên em,
kêu chỉ một tên.
Những ngày anh đi khỏi xin em chớ đi lại
vùng tình yêu lắm bẫy nhân gian,
để đêm khói thuốc tay vàng, tìm nhau thấy gần.
Ngủ trên cỏ may thường khi vào tối,
nhớ hương may nhớ cả người.
Anh mong rằng người mà anh yêu, “những ngày anh đi khỏi xin em chớ đi lại/ vùng tình yêu lắm bẫy nhân gian”, để cho tình yêu của anh và cô sẽ mãi mãi luôn vững bền như những tháng ngày xưa đó, và ngày mà anh trở về sẽ lại càng vững bền hơn, thắm thiết hơn. Anh vẫn vậy, vẫn yêu, vẫn nhớ, vẫn “ngủ trên cỏ may thường khi vào tối”, và vẫn luôn luôn “nhớ hương may nhớ cả người”, nên anh hy vọng, anh ước ao rằng người mà anh yêu cũng sẽ đợi, sẽ chờ ngày mà anh được trở về, ngày mà tình yêu của họ sẽ bước sang một trang mới hoàn toàn…
Mời quý vị nghe lại ca khúc "Bông cỏ may" Trình bày: Thuý Huyền
Bấm vào Video để nghe ca khúc "Bông cỏ may" Trình bày: Thuý Huyền
Mời quý vị nghe lại ca khúc "Bông cỏ may" Trình bày Trường Vũ
Bấm vào Video để nghe ca khúc "Bông cỏ may" Trình bày: Trường Vũ
Bông Cỏ May của nhạc sĩ Trúc Phương với tôi chính là một bản tình ca bất tử của một người lính. Cuộc đời này khi sinh ra, chẳng ai mong muốn quê hương, đất nước của mình sẽ ngập chìm trong khói lửa chiến tranh. Nhưng vì hoàn cảnh, họ cũng đành chấp nhận, vì tình yêu lớn mà nén lại tình yêu nhỏ của mình vào tận sâu con tim mà lên đường ra đi, đi mà không hẹn ngày trở lại. Nhưng họ cũng chỉ là một con người bình thường bằng da, bằng thịt mà thôi, họ cũng mong muốn, cũng khát khao có được một tình yêu, một hạnh phúc của riêng mình, mãi mãi. Nhưng biết làm sao hơn được, con đường phía trước vẫn phải đi, vì lý tưởng, vì tình yêu, họ chỉ có thể hy vọng, tin tưởng trong nhớ nhung khôn cùng của tâm trí, của trái tim…
Nhạc xưa Chuyện cũ biên soạn