Người ta hay nói rằng có những nghệ sĩ và tác phẩm chỉ cần xuất hiện một lần thôi là đã để lại âm vang khó quên trong lòng người. Mỗi khi nghe thấy điều đó tôi chỉ cười không nói, vì vẫn không hiểu rõ lắm ý nghĩa của nó, cho đến khi tôi nghe bài Dạ Khúc của một nhạc sĩ mà tôi chưa từng được nghe.
Quý phái, trang trọng và đầy u uẩn, đó chính là những cảm xúc rõ ràng nhất trong bài hát “Dạ Khúc” của nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca. Bài hát cứ nhẹ nhàng thấm sâu vào lòng tôi khiến cho tôi muốn nghe thêm lần nữa, lần nữa,... rồi lại lần nữa… Rồi tôi tò mò, suy nghĩ rằng không biết người đã tạo nên một bài hát khiến lòng tôi đắm say đó là một người như thế nào? Nhạc của ông hay như vậy tại sao từ trước đến nay tôi lại chưa từng được nghe và chưa từng bắt gặp?
Ngay lập tức, tôi tìm hiểu về ông, và khi biết ra thì tôi đã hiểu. Nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca sinh năm 1917 tại làng Vĩnh Kim thuộc tỉnh Mỹ Tho, ông là con trai của ông Nguyễn Tri Lạc, là cháu ruột của soạn giả Nguyễn Tri Khương và là cháu nội của ông Nguyễn Tri Phương, một vị quan nổi tiếng dưới thời triều Nguyễn - gia đình của ông phải gọi là một gia đình danh gia vọng tộc.
Nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca
Ông rất yêu âm nhạc và đã tham gia vào các chương trình liên quan đến văn nghệ, âm nhạc từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường. Đến khi là một sinh viên ông đã bắt đầu sáng tác một vài tác phẩm như Đến trường, Vui đi học, Chiêu Hồn Nước… và sau này nữa có ca khúc bất tử mà tôi đã nhắc đến ở trên là Dạ Khúc.
Khi kháng chiến nổ ra, ông đã đi theo tiếng gọi của trái tim, nhưng thật không may cho ông - một tài năng âm nhạc chưa có dịp được phát triển thì đã phải dừng lại - năm 1946, ông bị quân Pháp bắt giữ và đem ra hành quyết tại chợ Cà Mau. Cuộc đời ông từ đó đã kết thúc ở tuổi 29. Lòng tôi dâng lên một sự tiếc nuối vô cùng, tiếc nuối cho một người nhạc sĩ tài hoa mà bạc mệnh. Nhưng dù vậy, dù ngôi sao ấy đã vụt tắt đi nhưng ánh sáng ông để lại sẽ không bao giờ tắt đi, như là Dạ Khúc vậy - dù chỉ là một lần xuất hiện nhưng âm vang của nó để lại sẽ vang mãi muôn đời:
Gió gây hương nhớ, nâng tiếng đàn xa đưa
Sầu vương vấn, gây mơ khóc trên dây tơ
Trong sầu nhớ bóng ai thoáng về cô phòng
Nào đâu thấy tình xưa mơ mòng
Mời quý vị nghe lại ca khúc “Dạ Khúc” Trình bày: Quỳnh Dao
Bấm vào giữa hình trên để nghe “Dạ Khúc” Trình bày: Quỳnh Dao
Mời quý vị nghe lại ca khúc “Dạ Khúc” Trình bày: Duy Trác
Bấm vào giữa hình trên để nghe “Dạ Khúc” Trình bày: Duy Trác
Một làn gió nhẹ thoáng qua, hòa trong đó là một mùi hương “gây” thương nhớ, làn gió ấy nhẹ “nâng tiếng đàn xa đưa”. Tiếng đàn réo rắt, giai điệu nhẹ nhàng u buồn khiến cho “sầu vương vấn, gây mơ khóc trên dây tơ” - Hình ảnh này, nỗi sầu này sao tôi lại cảm thấy nó đẹp đến thế, cao sang đến thế?! Trong đầu tôi, hiện ra hình ảnh một bóng người thật đẹp, thật sang trọng đang ôn cây vĩ cầm, nhẹ nhàng kéo dây tơ, kéo ra những âm thanh gây xáo động lòng người, kéo ra những âm vang nghe buồn da diết… Nỗi sầu vương ấy, hình như là một nỗi sầu được hình thành trong nỗi nhớ - “nhớ bóng ai thoáng về cô phòng”, hình thành trong nỗi buồn vì tình yêu của chính mình dường như đã xa tầm tay với.
Vì người buồn nên “đàn ai lên cung oán (tang tình) gieo hờn”, vì người sầu nên “đàn ai ngân theo gió (xế xang) gieo buồn”. Và cũng vì buồn, vì sầu nên mới “Bồn chồn trong đêm tối/ Lần dò chơn theo lối mấp mô” - Nỗi buồn ấy, nỗi sầu ấy lại càng buồn, càng sầu khi cứ phải dấu kính cho riêng bản thân mình biết. Ai có thể hiểu khi buồn nhưng ta vẫn mỉm cười? Ai có thể thấu khi sầu nhưng ta vẫn luôn ngẩng cao đầu? Chi khi một mình ta thì nỗi buồn, nỗi sầu ấy mới quằn quại, mới xót xa hiện rõ, nhưng ta vẫn dũng cảm để đối diện, gửi nỗi lòng vào cung đàn, vào tiếng nhạc theo làn gió mang đi - Buồn nhưng cố gắng không khóc, sầu nhưng cố gắng không gục ngã, không bao giờ…
Đàn ai lên cung oán (tang tình) gieo hờn
Đàn ai ngân theo gió (xế xang) gieo buồn
Bồn chồn trong đêm tối
Lần dò chơn theo lối mấp mô
Mời quý vị nghe lại ca khúc “Dạ Khúc” Trình bày: Thái Thanh
Bấm vào giữa hình trên để nghe “Dạ Khúc” Trình bày: Thái Thanh
Nhưng thật không thể ngờ rằng nỗi buồn ấy, nỗi sầu ấy lại chiếm trọn lấy tâm hồn ta lâu, thật lâu, và dường như nó chẳng thể nào vơi đi, để cho ngày ngày “cung đàn réo vang đêm trường, dây tơ gào gió đê mê lòng”. Rồi bất giác ta cũng không thể nào hiểu được là “lệ tràn vì đâu?” - Có lẽ và vì ta đã hiểu được rằng con người ấy, tình yêu ấy mà ta đã từng có sẽ mãi mãi rời xa khỏi ta, mãi mãi “bao tình tê tái”. Và kể từ giờ phút này trở đi, ta chỉ có thể “nương làn gió bay tìm ánh trăng sao” - Ta cô đơn nhưng sẽ không cô độc, ta sẽ làm bạn với thiên nhiên, hòa mình với trăng sao bằng chính khúc nhạc lòng da diết đang réo gọi của bản thân mình.
Ôi cung đàn réo vang đêm trường
Dây tơ gào gió đê mê lòng
Lệ tràn vì đâu? Bao tình tê tái
Nương làn gió bay tìm ánh trăng sao.
Đàn ai lên cung oán (tang tình) gieo hờn
Đàn ai ngân theo gió (xế xang) gieo buồn
Bồn chồn trong đêm tối
Lần dò chơn theo lối mấp mô
Và có lẽ cũng chỉ có không gian bao la của thiên nhiên, của bầu trời lấp lánh trăng sao kia mới có thể ôm trọn nỗi buồn, nỗi sầu đang ngày một lớn dần lên trong lòng ta. Thế nên ta gửi theo làn gió tiếng đàn “lên cung oán (tang tình) gieo hờn”, tiếng đàn “ngân theo gió (xế xang) gieo buồn” và cả nỗi “Bồn chồn trong đêm tối/ Lần dò chơn theo lối mấp mô” - gửi đến nơi xa xôi ấy, gửi đến không gian bao la ấy, hãy ôm trọn giùm ta, hãy cất giữ giùm ta nỗi lòng vấn vương một người, nỗi lòng nhớ thương một bóng hình… mãi mãi…
Buồn vấn vương, sầu xuyến xao đến cõi lòng u uẩn nhưng vẫn rất quý phái, rất sang trọng, điều này có lẽ chỉ có Dạ Khúc của nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca mới có thể diễn tả được trọn vẹn đến như vậy. Không chỉ có ca từ, mà ngay cả cách sử dụng giai điệu của ông cũng khiến cho rất nhiều nghệ sĩ phải thán phục. Có lẽ cũng chính vì vậy nên Dạ Khúc và cả nhạc sĩ Nguyễn Mỹ Ca, chỉ cần xuất hiện một lần như vậy thôi là đã khiến cho người ta vẫn vương mãi, nhớ thương mãi không thôi… cho đến tận ngày hôm nay và ngày sau nữa (tôi nghĩ là sẽ mãi mãi là như vậy).