Cảm nhận ca khúc "Lá Đổ Muôn Chiều" (Đoàn Chuẩn) - Tuyệt phẩm mùa thu buồn nhất của nhạc sĩ _ NXCC

   

Đoàn Chuẩn vốn dĩ là một nhạc công biểu diễn guitar, song được biết đến nhiều hơn cả như một nhạc sĩ. Dù gia tài sáng tác của ông rất ít ỏi nhưng đa số đều trở thành những giai điệu đi vào tâm thức của nhiều thế hệ. 

Có lẽ vì lỡ mang một tình yêu sâu đậm với mùa thu mà hầu như những sáng tác của ông đều mang dư vị của nó. Và không hiểu sao mùa thu đó bao giờ cũng phảng phất một nỗi buồn man mác, nhưng cũng không thể phủ nhận nét đẹp hoang sơ của hương vị mùa thu mang thương hiệu Đoàn Chuẩn.

Lá Đổ Muôn Chiều cũng thế, cũng là mùa thu đượm buồn ấy, chàng nhạc sĩ phải nén nỗi lòng nói lời từ biệt với mối tình đã khắc cốt ghi tâm của chính mình. Bài hát được ông sáng tác vào năm 1954, đến năm 1990 khi tái bản lại, ông vẫn ngậm ngùi rằng “nhớ vô cùng”. Những cảm xúc mà ông mang lại từ trong ca từ ấy đã khiến tôi tin rằng, mối tình đó có lẽ đến khi rời khỏi thế giới thì chàng nhạc sĩ ấy cũng không thể nào quên:

“Thu đi cho lá vàng bay,
lá rơi cho đám cưới về
Ngày mai, người em nhỏ bé 
ngồi trong thuyền hoa tình duyên đành dứt
Có những đêm về sáng đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi!
đã vội chi men rượu nhấp đôi môi, 
mà phung phí đời em không tiếc nhớ” 

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cùng vợ và con (Hải Phòng 1952)

Ngày “lá vàng bay” cũng là ngày em “ngồi trong thuyền hoa” và cũng là ngày “tình duyên đành đứt”. Cũng vì thế mà người ở lại trăn trở “những đêm về sáng”, nỗi buồn và nỗi nhớ cứ thế ngấm vào tâm trí không thể thoát ra. Chỉ đành than thở trong sự im lặng đáng sợ của màn đêm. Không biết rằng liệu em có nhớ đến, liệu em có đang buồn hay là… đã quên!?

“Lá đổ muôn chiều ôi lá úa,
phải chăng là nước mắt người đi
Em ơi đừng dối lòng
dù sao chăng nữa không nhớ đến tình đôi ta” 

Hình ảnh lá đổ được nhạc sĩ ví như “nước mắt người đi”, đó chính là cơn mưa trong lòng người bước đi. Sự xót xa, luyến tiếc đó chỉ có những người yêu thương nhau sâu sắc mới có thể hiểu được. Vì thế nên ông không thể không thốt lên rằng “Em ơi đừng dối lòng”. Nhưng biết phải làm sao nữa đây? “Thôi thế từ đây anh cố đành quên rằng có người” buộc phải quên đi thôi, phải coi như không biết thôi. Dù có trăm vạn lần không muốn đi chăng nữa thì cũng phải “cho nước cuốn hoa trôi” mà thôi. vì “như lá vàng bay” cuộc tình đôi ta cũng đã lỡ rồi. Thứ còn tồn tại duy nhất trong lòng người ở lại chính là sự trống vắng, sự hoang tàn, sự tàn phá của nỗi đau. Đến nỗi mà chẳng còn có thể biết được “phương nào hoa đã rơi.”

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Lá Đổ Muôn Chiều" Trình bày: Lệ Thu

Bấm vào để nghe "Lá Đổ Muôn Chiều" Trình bày: Lệ Thu

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Lá Đổ Muôn Chiều" Trình bày: Tuấn Ngọc

Bấm vào để nghe "Lá Đổ Muôn Chiều" Trình bày: Tuấn Ngọc

“Thôi thế từ đây anh cố đành quên rằng có người
Cầm bằng như không biết mà thôi
Lá thu còn lại đôi ba cánh
đành lòng cho nước cuốn hoa trôi

Thôi thế từ nay như lá vàng bay tình lỡ rồi
Thuyền rời xa bến vắng người ơi
Hướng dương tàn tạ trong đêm tối
Còn nhớ phương nào hoa đã rơi.”

Đáng lẽ đến đây ca khúc đã có thể dừng lại, nhưng có lẽ nỗi đau ấy đã quá lớn mà ngay cả người trong cuộc cũng không thể hình dung ra được. Nên bài hát được viết cả lời 2, như muốn nói rằng nỗi đau đã kéo dài vô tận không thể kết thúc:

“Thu đi cho lá vàng bay,
lá rơi cho đám cưới về
Tình anh một con thuyền bé chìm sâu đại dương một đêm nổi sóng
Có những đêm về sáng đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi
Tiếc mà chi dang dở phút phân ly
Thuyền phiêu lãng từ nay không bến đỗ”

“Con thuyền bé chìm sâu đại dương một đêm nổi sóng” hình ảnh này như nhấn mạnh 1 lần nữa nỗi đau trong lòng người nhạc sĩ. Tâm hồn ông cũng chết theo bước chân người về bến mới. Nhưng vì sao lòng không thể nào ngừng nhớ? Không thể nào ngừng tiếc thương cho mối tình ấy? Nhưng có thể làm gì hơn, một lần nữa ông tuyệt vọng cùng số trời đã định, chỉ đành tình lại hình bóng ấy, thâm tình ấy “trong nét bút xa xôi” , và cả “trong tiếng hát”.

“Lá đổ muôn chiều ôi lá úa 
phải chăng là những cánh đời em
đêm đêm lìa xuống trần tình vương hoen úa 
ôi những cánh đời mong manh.
Than tiếc mà chi chiếc lá vàng bay về cuối trời
làm lòng anh nhớ mãi người ơi.
Nhớ nhau từ làn môi đôi mắt.
đành tìm trong nét bút xa xôi.

Nhưng mỗi mùa thu chiếc lá vàng bay về cuối trời.
Thuyền tình không bến đỗ người ơi.
Nhớ nhau đành tìm trong tiếng hát.
đời vắng em rồi vui với ai.”

“Đời vắng em rồi vui với ai” câu kết khiến tiếng lòng càng thêm thổn thức. Càng minh chứng cho sự khắc cốt ghi tâm của một người ở lại. 

Bài hát đã được thể hiện rất thành công bởi rất nhiều ca sĩ nổi tiếng như: danh ca Anh Ngọc, danh ca Duy Trác… sau này cũng được làm mới lại bởi rất nhiều ca sĩ. Và đến tận bây giờ những giai điệu và ca từ ấy vẫn tiếp tục len lỏi vào lòng của những con người yêu nhạc như chúng ta, dù nó đã trải qua hơn nửa thế kỷ dài đằng đẵng.