Nhạc sĩ Thông Đạt tên thật là Ngô Văn Giảng, ông sinh ngày 12 tháng 5 năm 1924 trong một gia đình trung lưu có truyền thống về âm nhạc tại Huế: Ông nội của ông là một nhạc sĩ cổ nhạc(nhạc cổ truyền Việt Nam)nên ngay từ bé, ông đã tỏ ra những năng khiếu về âm nhạc. Ông bắt đầu tập chơi mandolin rồi sau đó đến guitar.
Sinh hoạt âm nhạc đầu tiên của ông là tham gia hòa nhạc với các bạn Nguyễn Văn Thương, Lê Quang Nhạc khi ông mới 18 tuổi. Sau đó vào khoảng năm 1944, nối gót nhạc sĩ Thẩm Oánh (tác giả bài A Di Đà Phật ở ngoài Bắc), ông cùng với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba khởi xướng và phát triển nền Phật nhạc tại Huế.
Nhạc sĩ Văn Giảng (Thông Đạt) và vợ
Ông thi tú tài và tốt nghiệp cử nhân tại Sài Gòn. Sau khi thi đỗ Anh văn ở Hội Việt Mỹ, nhạc sĩ có một thời gian sang tu nghiệp âm nhạc tại Hawaii và Bloomington (Hoa Kỳ). Tại đây với tốt nghiệp xuất sắc, ông được học bổng để tiếp tục nghiên cứu bậc cao học âm nhạc, để rồi sau đó trở về nước và được đề cử làm giám đốc trường Quốc gia Âm Nhạc Huế.
Khởi đầu sáng tác âm nhạc bằng thể loại hùng ca với các bản nhạc như Thúc Quân (1949), Lục Quân Việt Nam (1950), Đêm Mê Linh (1951), Quân Hành Ca (1951), Qua Đèo (1952), Nhảy Lửa (1953)... Sau đó thì chuyển qua thể loại tình ca với bút danh mà mọi người được biết qua các tác phẩm rất nổi tiếng Thông Đạt. Ngoài ra ông còn sáng tác rất nhiều thể loại nhạc khác nhau như nhạc Phật Giáo, nhạc Thiếu nhi, nhạc tân cổ…
Với bút danh Thông Đạt, ông có hai tác phẩm viết về chủ đề hòa bình của đất nước rất nổi tiếng, có thể nói rằng đã là người Việt Nam thì có lẽ không ai là không biết là Hoa Cài Mái Tóc và Tình Em Biển Rộng Sông Dài.
Mời quý vị nghe lại ca khúc “Tình Em Biển Rộng Sông Dài” Trình bày: Duy Khánh
Bấm vào giữa hình trên để nghe “Tình Em Biển Rộng Sông Dài” Trình bày: Duy Khánh
Một thời gian sau khi cho ra mắt tác phẩm Hoa Cài Mái Tóc(ra mắt vào tháng giêng năm 1973), dưới bút danh Thông Đạt nhạc sĩ Văn Giảng còn cho ra mắt thêm một ca khúc nữa có tên Tình Em Biển Rộng Sông Dài. Gần như là cùng một thời điểm, cùng một chủ đề nên cả hai bài hát đều có thể gọi là tuyệt phẩm. Không mang khí chất hào hùng, rộn rã như Hoa Cài Mái Tóc, Tình Em Biển Rộng Sông Dài với giai điệu nhẹ nhàng hơn, thiết tha hơn cứ thế đi vào lòng người nghe:
Hòa bình ơi!
Tình yêu em như sông biển rộng.
Tình yêu em như lúa ngoài đồng.
Tình yêu em tát cạn biển đông.
Với giai điệu ngọt ngào, da diết, nhạc sĩ mở đầu bài hát bằng một tiếng gọi vô cùng thân thương thân thương “Hòa bình ơi!” - Ông nhân cách hóa, gọi hòa bình là em - như là một người con gái mà ông trao trọn lòng mình, trao trọn tình yêu cả một đời không bao giờ đổi thay. Và ông bày tỏ lòng hết cõi lòng của mình, rằng tình yêu mà ông dành cho “em” như là “sông biển rộng”, như là “lúa ngoài đồng” và tình yêu ấy có thể “tát cạn biển đông” - mãi mãi, muôn đời không bao giờ có thể vơi đi được. Và tình yêu ấy đâu phải chỉ mình ông gửi trao em mà còn có rất, rất nhiều con người khác cũng như ông.
Nhưng “Hòa Bình ơi, ơi hòa bình ơi!” Tại sao em lại cứ mãi vô tình mà “nỡ lòng” để cho “kẻ đợi người trông”? Tại sao em cứ “nỡ lòng lúa khô ngoài đồng”? Tại sao, “Sao em nỡ lòng”? Người người đang ở nơi đây, ngày ngày mong ngóng, ngày ngày mong đợi bóng dáng em, nhưng mà em cứ mãi “bặt vô âm tính” để cho nỗi buồn, để cho niềm đau cứ mãi giày xéo lên mảnh đất thân thương này. Tình yêu ấy em vẫn chưa cảm nhận được ư? Làm sao mà em không cảm nhận được trong khi nó nhiều như thế, lớn lao như thế chứ?
Hòa Bình ơi, ơi hòa bình ơi
Sao em nỡ lòng kẻ đợi người trông.
Sao em nỡ lòng lúa khô ngoài đồng.
Sao em nỡ lòng.
Mời quý vị nghe lại ca khúc “Tình Em Biển Rộng Sông Dài” Trình bày: Ngô Quốc Linh
Bấm vào giữa hình trên để nghe “Tình Em Biển Rộng Sông Dài” Trình bày: Ngô Quốc Linh
Và nếu như đã nghe được, nhìn thấy được tình yêu ấy thì xin “Người” hãy về nơi đây, về nơi đây để cho ông được “may áo cưới” và “tặng người yêu vui trong lúa mới”. hãy về đây, về đây để cho ông được đón em trong niềm hân hoan nhất, hạnh phúc nhất, về đây để mà người người, nhà nhà được cùng với nhau chan chứa tình yêu, chan chứa sức mạnh để có thể “xây dựng lại tình quê”..
Người về đây xin may áo cưới
Tặng người yêu vui trong lúa mới.
Tôi đón em đi về. Tôi đón em đi về.
Xây dựng lại tình quê.
Hòa bình ơi, chờ trông nhau như con chờ mẹ
Chờ trông nhau như gió mùa hè
Chờ trông nhau nắng đẹp tình quê
Mọi người đã chờ đợi rất lâu rồi, rất lâu rồi “Hòa bình ơi!” Đã “chờ trông nhau như con chờ mẹ”, “chờ trông nhau như gió mùa hè” và “chờ trông nhau nắng đẹp tình quê”...
Đã chờ đợi từ lúc sinh ra đến ngày hôm nay là “ba mươi tuổi đời”, người có biết không hỡi “Hòa bình ơi, ơi hòa bình ơi!”? Đằng đẵng “ba mươi năm trường khổ đau nhiều rồi”, nên từ nay ước mong cuộc đời sẽ luôn được vui vẻ, luôn được hạnh phúc. Mà vui vẻ và hạnh phúc chỉ có thể đến khi người về đây. Vậy cho nên hãy “Về đây hỡi người ơi! Về đây hỡi người ơi...!” - về để nhìn ngắm biển rộng sông dài, về để đồng lúa ngát xanh trong yên bình, và về để cho thắm đượm một tình yêu thương sau bao nhiêu tháng ngày trông ngóng.
Hòa bình ơi, ơi hòa bình ơi
Ba mươi tuổi đời thoát từ vành nôi
Ba mươi năm trường khổ đau nhiều rồi.
Về đây hỡi người ơi! Về đây hỡi người ơi...!
Tình yêu và sự khát khao hòa bình của tất cả mọi người dường như đã được nhạc sĩ Văn Giảng bộc bạch ra hết trong những ca từ ngắn ngủi của bài hát Tình Em Biển Rộng Sông Dài.
Không hiểu sao cứ mỗi lần nghe bài hát này là con tim tôi lại một lần rung động, rung động đến cảm động mà không thể nào lý giải nổi. Có lẽ tôi không thể nào hiểu hết được tình yêu ấy, khát khao ấy vì tôi không được sinh ra trong thời gian loạn lạc ấy, nhưng khi ngắm nhìn sông nước, núi non, hay đồng lúa xanh trải dài bát ngát, dường như tôi lại cảm nhận được len lỏi trong tim đâu đó một tình yêu, yêu cái thanh bình, yêu cái hiền hòa hiện có của ngày hôm nay. Có lẽ đó cũng chính là tình yêu dành cho em - “Hòa bình ơi!”
Lời bài hát “Tình Em Biển Rộng Sông Dài” Tác giả: Thông Đạt
Hòa bình ơi,
Tình yêu em như sông biển rộng.
Tình yêu em như lúa ngoài đồng.
Tình yêu em tát cạn biển đông.
Hòa Bình ơi, ơi hòa bình ơi
Sao em nỡ lòng kẻ đợi người trông.
Sao em nỡ lòng lúa khô ngoài đồng.
Sao em nỡ lòng.
Người về đây xin may áo cuới
Tặng người yêu vui trong lúa mới.
Tôi đón em đi về. Tôi đón em đi về.
Xây dựng lại tình quê.
Hòa bình ơi, chờ trông nhau như con chờ mẹ
Chờ trông nhau như gió mùa hè
Chờ trông nhau nắng đẹp tình quê
Hòa bình ơi, ơi hòa bình ơi
Ba muơi tuổi đời thoát từ vành nôi
Ba muơi năm truờng khổ đau nhiều rồi.
Về đây hỡi người ơi! Về đây hỡi người ơi...!
Nhạc xưa Chuyện cũ biên soạn