Song Ngọc được biết đến là một nhạc sĩ, ca sĩ người Mỹ gốc Việt, ông cũng chính là anh trai của diễn viên hài nổi tiếng một thời Kiều Oanh. Ông bắt đầu viết nhạc từ năm 1957, đã có rất nhiều ca khúc được người đời biết đến và mang lại cho ông thành công trên con đường nhạc sĩ.
Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân chính mà một trong những minh chứng rõ ràng nhất cho cái gọi là thành công ấy. Bài hát được ông sáng tác vào khoảng trước năm 1975, và nó mang lại cho không chỉ ông mà những người hát nó một sự thành công ngoài sự mong đợi.
Có lẽ như lời bài hát, ca khúc này được ông viết để hoài niệm về mối tình xưa cũ của chính mình, trong một lần được trở lại thăm chốn cũ sau nhiều năm xa cách . Đó chính là những dòng tâm sự trong tận đáy lòng ông dành cho người được ông gọi với cái tên là “cố nhân”:
Tôi trở về đây lúc đêm vừa lên
Giăng mắt trời mưa phố xưa buồn tênh
Gót mòn tìm dư hương ngày xưa
Bao nhiêu kỷ niệm êm ái
Một tình yêu thoát trên tầm tay
Thời điểm ông trở về là thời điểm mà tâm hồn mỗi con người luôn có những sự lắng đọng một cách kỳ lạ. Lúc nửa đêm, mà lại có cả cơn mưa che kín cả con phố. Ông đi đến đâu nỗi buồn vương theo nến đó, và ông bắt đầu hoài niệm về mối tình xưa cũ, một mối tình tưởng chừng như đã viên mãn thì lại vụt bay mất trong tầm tay.
Mời quý vị nghe lại ca khúc "Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân" Trình bày: Đan Nguyên, Quang Lê, Bằng Kiều
Bấm vào để nghe "Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân" Trình bày: Đan Nguyên, Quang Lê, Bằng Kiều
Trên con đường xưa ngày trở về ấy, ông tìm kiếm bóng dáng người xưa trong một niềm khắc khoải khôn nguôi. Có lẽ điều đó đã in sâu trong tâm hồn ông tự bao giờ, để đến hôm nay, khi đứng trước những cảnh vật quen thuộc của ngày xưa nó chợt vọng về một nỗi buồn sâu thẳm nơi con tim ấy. Và những cảnh vật in hằn dấu vết hạnh phúc của ngày xưa giờ cũng lạnh lùng, trơ trọi và vương vấn một nỗi buồn như nỗi lòng ông lúc này:
Tôi trở về đây với con đường xưa
Đâu bóng người thương cố nhân về đâu?
Tiếng buồn chợt đâu đây vọng đưa
Công viên lạnh lùng hoang vắng
Ngọn đèn đêm đứng im cúi đầu
Những hồi ức cứ thế hiện về như mới đâu đây, dù đã biết bao mùa thu đi qua rồi lại trở về, nhưng ngày em theo chân về nhà ai, ngày ân tình của đôi ta lỡ làng vẫn luôn hiện ra rõ mồn một trong tâm trí của ông. Đặc biệt lại là nơi này, nơi minh chứng cho cuộc tình của hai người.
Và giờ đây, nơi này chỉ còn lại một mình ông bước đi trong sự cô đơn, lẻ loi của chính mình. Bao nhiêu nỗi niềm, bao nhiêu tâm tư của ông vỡ òa, chỉ biết trao gửi trong từng ca từ và điệu nhạc. Và mọi thứ từ nay xin để lại trong quá khứ, và khi nhớ về ta chỉ biết gọi nhau là “cố nhân u sầu”.
Thu đến thu đi cho lá vàng lại bay
Em theo bước về nhà ai
Ân tình xưa đã lỡ
Thời gian nào bôi xóa
Kỷ niệm đầu ai đành lòng quên?
Phố buồn mình tôi bước chân lẻ loi
ray rứt trời mưa bỗng nghe mặn môi
Nỗi niềm chuyện tâm tư người ơi
Xin ghi nhạc lòng thương nhớ
Mình gọi nhau cố nhân u sầu.
Có nhiều người thắc mắc, tại sao một nhạc sĩ mang hơi hướng hiện đại nhiều như Song Ngọc lại sử dụng hai từ “cố nhân”- một từ mang âm hưởng cổ xưa đến vậy. Nhưng có lẽ không có từ ngữ nào có thể phù hợp hơn hai từ “cố nhân” mà ông đã dùng trong bài hát. Cố nhân là hai từ mà ông dùng để gọi người thương của ông ngày xưa ấy. Một người mà tình cảm ông trao gửi nơi họ mãi mãi ông cũng không thể nào quên được. Một người mà lúc nhớ đến lòng ông sẽ không kìm được mà bồi hồi. Và có lẽ chỉ có hai từ cố nhân mới diễn tả được hết những cảm xúc đó trong ông.
Không thể phủ nhận rằng Xin Gọi Nhau Là Cố Nhân chính là một bản tình ca bất tử. Nó sống bất chấp cả thời gian, và được cất lời ca bất chấp các thế hệ. Mỗi lần bài hát ấy được cất lên, vô số người trong chúng ta vẫn luôn bất giác mà ngân nga theo từng câu nhạc của nó.