Câu chuyện về "Bùng binh Bồn Kèn" (Vòng xoay Cây Liễu) - Vòng xoay đầu tiên của Sài Gòn _ NXCC

   

Bùng binh Bồn Kèn (Vòng xoay Cây Liễu) Bonard – Charner trước kia, bây giờ là Lê Lợi – Nguyễn Huệ nằm ở vị trí đắc địa và sầm suất nhất Sài Gòn cả trong quá khứ lẫn hiện tại.

Được gọi là bồn kèn vì ngày xưa, thời thuộc dân Pháp, chủ nhật dàn kèn Pháp lên đây thổi giúp vui cho dân Sài Gòn nghe.

Bùng binh ở ngã tư Nguyễn Huệ – Lê Lợi (quận 1) xây năm 1920 là vòng xoay đầu tiên của cả Việt Nam và Sài Gòn

Nằm ở khu vực sầm uất nhất Sài Gòn xưa, bùng binh Bồn Kèn là nơi giao nhau giữa hai đại lộ lớn Charner (Nguyễn Huệ) và Bonard (Lê Lợi, quận 1) – nơi có nhiều khách sạn, cửa hàng kinh doanh thương hiệu lớn.

Đường Lê Lợi là con đường rộng nhất lúc bấy giờ và đại diện cho bộ mặt thành phố. Lúc đầu đường mang tên số 13, năm 1865 mang tên một người Pháp là Bonard (tên đây đủ là Louis Adolphe Bonard), tổng tư lệnh lực lượng viễn chinh Pháp. Đến năm 1955, chính quyền Sài Gòn đổi tên là đại lộ Lê Lợi.

Đường Lê Lợi bắt đầu từ công trường Lam Sơn đến công trường Quách Thị Trang ở chợ Bến Thành, qua các ngã tư Nguyễn Huệ, Pasteur, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (trước gọi là Công Lý), ngã ba Nguyễn Trung Trực. Lòng đường có ba lối đi dành cho xe cộ, có hai tiểu đảo ngăn chia.

Thời Pháp thuộc, chính quyền thuộc địa dự tính biến đường Bonard thành một Champs-Élysées thu nhỏ với hai bên đường là các cửa hàng, khách sạn và nhà hàng nhưng có lẽ do những biến động của thế giới cho nên dự tính không thực hiện được.

Còn đường Nguyễn Huệ sơ khởi là dòng kênh đào mà dân SG gọi là Kinh Lớn, sau đó được đổi tên thành kênh đào Charner – tên một đô đốc người Pháp. Hai bên bờ kênh là con đường chạy song song mang tên Rigault de Genouilly và Charner.

Đường Charner vốn là con kênh dẫn nước từ sông Sài Gòn vào thành Gia Định (còn gọi thành Bát Quái) do Nguyễn Ánh xây dựng năm 1790 – để thuyền bè từ sông SG có thể cập vào tận thành. Kinh Lớn bắt đầu từ bến Bạch Đằng chạy thẳng đến trước cổng UBND thành phố hiện nay.

Kênh đào Charner có lưu lượng hàng hóa vận chuyển tấp nập nên sau một thời gian bị ô nhiễm nặng. Năm 1877, người Pháp cho lấp kênh đào và sáp nhập con đường ở hai bờ thành đại lộ Charner.

Đại lộ Charner một đầu là Dinh Đốc Lý (nay là trụ sở UBND thành phố) và đầu kia là sông SG. Không gọi theo tên Pháp đặt, người Sài Gòn gọi bằng cái tên dân gian là đường Kinh Lấp. Đường Charner còn được gọi bằng Canton do có đa số người Hoa vùng Quảng Đông tập trung buôn bán.

Trải qua nhiều biến cố lịch sử, năm 1956, đại lộ Charner được đổi tên thành Nguyễn Huệ – một trong những con đường đẹp nhất của “Hòn ngọc Viễn Đông”. Mỗi khi xuân về, đường Nguyễn Huệ xuất hiện chợ hoa. Theo tàu thuyền miền Tây, hoa từ khắp nơi về tập kết ở bến Bạch Đằng, trên bờ và trải dài trên đại lộ.

Vậy tại sao đây là bùng binh đầu tiên ở Sài Gòn? Cụ Vương Hồng Sển viết trong cuốn SàiGòn năm xưa: “Ngã tư Kinh Lấp đụng với con kinh về sau biến thành đại lộ Bonard (nay là Lê Lợi) hồi mồ ma thời Pháp, vẫn là xóm sang trọng nhất. Tại chỗ bồn nước ngay ngã tư này, hồi đó có xây một cái bệ cao hình bát giác, vào khoảng 1920 tôi lên học S.Gòn còn thấy tận mắt. Mỗi chiều thứ bảy, tại bệ này có mấy chú lính san đá trỗi nhạc Tây cho đồng bào ta thưởng thức”.

Học giả Vương Hồng Sển viết tiếp: “Ngày nay, nhạc Pháp, nhạc Mỹ nghe nhàm tai, các rạp chớp bóng, máy hát và máy radio “dọn ăn” đến chán bứ ê chề, chớ thuở ấy làm gì mà được nghe nhạc ngoại quốc cho đã con ráy. Họa chăng tụi nào dám lết lại gần nhà hàng Continental dành cho “khách Tây” ăn (đường Đồng Khởi), nhà hàng Pancrazi trên đường Bonard (Lê Lợi) và chỗ ngã tư Bồn Kèn này mới được thưởng thức”.

Theo học giả An Chi, thời Tây thì cái bùng binh đầu tiên nằm ở Nam Kỳ, mà ở Nam Kỳ thì cái bùng binh đầu tiên nằm ở Sài Gòn, mà ở S.Gòn thì cái bùng binh đầu tiên chỉ nằm ở ngã tư, chứ chẳng có ngã năm, ngã sáu gì cả. Đó chính là giao lộ Bonard – Charner trước kia, bây giờ là Lê Lợi – Nguyễn Huệ. Tên cúng cơm của cái bùng binh này là Bồn Kèn.

Qua thời gian, giao lộ Lê Lợi – Nguyễn Huệ được người dân Sài Gòn gọi là bùng binh cây liễu bởi vòng xoay lúc nào cũng được phủ kín bởi những cây liễu nhẹ nhàng, thướt tha, đẹp và rất thanh thoát. Ở giữa bùng binh là một đài phun nước.

Đường Nguyễn Huệ trở thành đường đi bộ. Bùng binh cây liễu trở thành ký ức với người Sài Gòn – Ảnh: Độc Lập

Bùng binh cây liễu được xem là nơi đẹp và rất nhộn nhịp của S.Gòn. Nơi này lúc nào cũng tấp nập người và xe cộ qua lại. Ngay tại góc bùng binh này là nơi tổ chức đường hoa Nguyễn Huệ. Nơi đây còn có Thương xá Tax – một trong những nơi buôn bán sầm uất bậc nhất Sài Gòn và là hình ảnh quen thuộc của người dân thành phố. Năm 2014, thương xá này bị dỡ bỏ để thay thế bằng một tòa nhà hiện đại hơn khiến không ít người dân S.G tiếc nuối.

Trong những ngày đầu thi công công trình ga tàu điện ngầm tại khu vực này, nhiều người dân Sài Gòn đã đến để chụp những bức ảnh lưu niệm cuối cùng về bùng binh cây liễu. Hiện vị trí bùng binh này đã trở thành đường đi bộ Nguyễn Huệ, một điểm vui chơi, giải trí đầy sôi động của người dân lẫn du khách khi đến Sài Gòn.

Duy Phan – 10/10/2020

Sưu tập một số hình ảnh đẹp về "Bùng binh Bồn Kèn" (Vòng xoay Cây Liễu) trước năm 1975