Bài tình ca nổi tiếng Kiếp Nào Có Yêu Nhau của nhạc sĩ Phạm Duy là được ông phổ nhạc của một bài thơ cùng tên của nữ thi sĩ nổi tiếng của Việt Nam là Minh Đức Hoài Trinh.
Bài thơ được sáng tác khi tác giả còn ở trong hàng ngũ của Việt Minh. Có một lần bà được giao nhiệm vụ về Huế để tiếp cận, thuyết phục một chính khách nổi tiếng là Phan Văn Giáo, lúc đó đang phục vụ cho Quốc gia Việt Nam của Quốc trưởng Bảo Đại. Tuy nhiên sự tiếp cận này lại dẫn đến một tình yêu sâu sắc giữa 2 người.
Điều đau đớn là khi tình yêu vừa nảy nở cũng là lúc vị chính khách kia bị chính đơn vị của Hoài Trinh cho người thủ tiêu. Khi ấy bà đã mang trong mình một sinh linh, bị bất ngờ và cực kỳ thất vọng.
Câu chuyện này được người cháu ruột của Minh Đức Hoài Trinh là PTH kể lại. Cô còn cho biết người con gái của Hoài Trinh và Phan Văn Giáo sau đó sống tại Paris rồi đi tu.
Thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh thuở trăng tròn
Tuy nhiên theo lịch sử ghi nhận thì người chính khách mà bà Minh Đức Hoài Trinh từng tiếp cận là Phan Văn Giáo sau đó vẫn còn sống, từ khoảng năm 1950, ông gặp nhiều thăng trầm trong con đường binh nghiệp, bị cắt chức rồi bổ nhiệm chức mới rồi lại bị phế truất. Ông chuyển đến Pháp từ năm 1954 rồi mất vào khoảng năm 1968 trên đất Pháp.
Nhưng vào thời điểm viết bài thơ Kiếp Nào Có Yêu Nhau (khoảng cuối thập niên 1940), có lẽ Minh Đức Hoài Trinh đã nhầm tưởng rằng người tình chính khách đã không còn trên cõi đời nữa sau vụ ám sát, nên đã viết những lời thơ vô cùng đau đớn và day dứt:
Anh đừng nhìn em nữa
Hoa xanh đã phai rồi
Còn nhìn em chi nữa
Xót lòng nhau mà thôi
Người đã quên ta rồi
Quên ta rồi hẳn chứ
Trăng mùa thu gãy đôi
Chim nào bay về xứ
Chim ơi có gặp người
Nhắn giùm ta vẫn nhớ
Hoa đời phai sắc tươi
Đêm gối sầu nức nở
Kiếp nào có yêu nhau
Nhớ tìm khi chưa nở
Hoa xanh tận nghìn sau
Tình xanh không lo sợ
Lệ nhòa trên gối trắng
Anh đâu, anh đâu rồi
Rượu yêu nồng cay đắng
Sao cạn mình em thôi
Nhạc sĩ Phạm Duy
Đó chính là nguyên văn sự đớn đau của thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh. Sau đó vào những năm của thập niên 1950, nhạc sĩ Phạm Duy đã “phù phép” cho bài thơ và khiến nó trở thành một bài ca còn mãi với thời gian.
Đừng nhìn em nữa anh ơi
Hoa xanh đã phai rồi
Hương trinh đã tan rồi
Đừng nhìn em, đừng nhìn em nữa anh ơi
Đôi mi đã buông xuôi, môi răn đã quên cười
Chỉ thay đổi một chút cách sắp xếp câu từ, nhạc sĩ đã biến nỗi đau ấy đến tột cùng của đớn đau “đừng nhìn em nữa anh ơi”. Người con gái ấy đang khẩn thiết cầu xin, để cho nỗi đau ấy đừng tăng thêm, nên xin anh đừng nhìn cô nữa. Vì sự thật chỉ khiến cho lòng người càng thêm quặn thắt trong đau đớn, “Hoa xanh đã phai rồi/ Hương trinh đã tan rồi”, “đôi mi đã buông xuôi, môi răn đã quên cười” - Tình tan, lòng vỡ nát, nhưng cô biết phải làm gì hơn ngoài việc một mình ôm nỗi rã rời nơi cõi lòng đang rơi rụng?
Mời quý vị nghe lại ca khúc “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” Trình bày: Thái Thanh
Bấm vào giữa hình trên để nghe “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” Trình bày: Thái Thanh
Mời quý vị nghe lại ca khúc “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” Trình bày: Tuấn Ngọc
Bấm vào giữa hình trên để nghe “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” Trình bày: Tuấn Ngọc
“Hẳn người thôi đã quên ta”? chính là câu hỏi khiến ai cũng phải đau đớn cùng niềm đau của cô gái. Vì anh đã quên, nên “trăng Thu gãy đôi bờ”, tình yêu cũng vỡ nát theo ánh trăng hẹn ước ngày nào. Nhưng cô thì vẫn không thể nào quên được, không thể nào buồn được tình yêu ấy. Trong vô vọng cô gửi lời theo cánh “chim bay xứ xa mờ”, nếu có gặp được anh, hãy nhắn gửi giùm cô rằng “Hoa xanh đã bơ vơ đêm sâu gối ơ thờ”
Hẳn người thôi đã quên ta
Trăng Thu gãy đôi bờ
Chim bay xứ xa mờ.
Gặp người chăng, gặp người chăng, nhắn cho ta
Hoa xanh đã bơ vơ đêm sâu gối ơ thờ.
Còn nỗi đau nào hơn khi phải cách xa người mình yêu nơi bên kia thế giới.
Nên có lẽ tình yêu ấy giờ đây chỉ đành hẹn nhau lại ở kiếp khác, nến “kiếp nào có yêu nhau”, cô chỉ có một mong ước duy nhất là
“xin tìm đến mai sau”, mai sau ấy, cuộc tình ấy sẽ như
“Hoa xanh khi chưa nở/ Tình xanh khi chưa lo sợ”
Kiếp nào có yêu nhau
Thì xin tìm đến mai sau
Hoa xanh khi chưa nở
Tình xanh khi chưa lo sợ
Bao giờ có yêu nhau
Thì xin gạt hết thương đau
Anh đâu anh đâu rồi?
Anh đâu anh đâu rồi?
Và đến lúc đó, khi họ yêu nhau thì “xin gạt hết thương đau” để chỉ còn lại một niềm hạnh phúc như là mơ. Nhưng mộng ước chỉ là mộng ước, cô choàng tỉnh và chới với tìm kiếm bóng hình anh, bóng hình đã khuất sau sự tối đen của màn đêm lạnh lẽo nơi đáy lòng. Bóng đen ấy đã nhấn chìm tất những yêu thương trong lòng cô, khiến cô phải đắm chìm trong bất hạnh của đớn đau mà hoang mang đi tìm “Anh đâu anh đâu rồi? Anh đâu anh đâu rồi?”.
Nữ thi sĩ Minh Đức Hoài Trinh trên đường phố Paris, thập niên 1970.
Mời quý vị nghe lại ca khúc “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” Trình bày: Lệ Thu
Bấm vào giữa hình trên để nghe “Kiếp Nào Có Yêu Nhau” Trình bày: Lệ Thu
Rồi trong tâm thức ấy, cô lại nhìn thấy ánh mắt của anh, cứ nhìn theo khiến cô đớn đau mà cầu xin “đừng nhìn nhau nữa anh ơi”. Vì hai người giờ đây đã thực sự cách xa nhau, “quên nhau đã quên rồi”, Nước mắt cô giờ đây đã “buông rơi theo tiếng hát qua đời”, nên xin anh “đừng nhìn nhau nữa... anh ơi!” - mối tình này xin ôm đớn nhau hẹn nhau ở kiếp khác mà thôi.
Đừng nhìn nhau nữa anh ơi
Xa nhau đã xa rồi, quên nhau đã (đã) quên rồi
Còn nhìn chi, còn nhìn chi nữa anh ơi
Nước mắt đã buông rơi theo tiếng hát qua đời
Đừng nhìn nhau nữa... anh ơi!
"Cả bài thơ là một sự nức nở, nghẹn ngào, tiếc nuối... để có thể làm cho người đọc thấy trong lòng buốt giá, tái tê, chết lặng. Những câu hoa đời phai sắc tươi, đêm gối sầu nức nở... Chắc bạn đọc cũng thấy bài thơ phổ nhạc được tôi thêm câu, thêm chữ. Phổ nhạc là chắp cánh cho thơ bay cao. Bài thơ ngắn ngủi, cô đọng này, vì có thêm chữ nên không còn tiết vần đều đều, bằng phẳng nữa. Bây giờ nó quay cuồng theo nét nhạc, câu nhạc. Giai điệu của câu “Đừng nhìn em nữa anh ơi” chuyển rất đột ngột, đi từ nốt trầm lên nốt cao nhất với hai “nhẩy bực” quãng 5 để diễn tả sự tột độ của tình cảm. Cái syncope sau câu “đừng nhìn em” làm cho mọi người thấy được sự nghẹn ngào của bài thơ và bài hát..." - Phạm Duy viết về bài hát này trong hồi ký Vang Vọng Một Thời.
Sự đau đớn, ma mị qua giọng hát của danh ca Thái Thanh trước 1975 đã thực sự truyền tải được hết cái nỗi đau của nhà thơ, và sự chắp cánh bay cao của nhạc sĩ Phạm Duy. Tôi thực sự đã nổi cả “da gà” khi nghe từng câu ca và điệu nhạc ấy, đau đớn, khắc khoải và cả tình yêu.
Nhạc Xưa Lối Củ biên soạn