Hoàn cảnh ra đời và ý nghĩa ca khúc "Người Ngoài Phố" (Anh Việt Thu) - Người đi đi ngoài phố, chiều nắng tắt bên song... _ NXCC

   

Người Ngoài Phố chắc chắn là một sáng tác để đời của nhạc sĩ Anh Việt Thu. Bài hát được ra đời vào tháng chạp âm lịch năm 1972. Nội dung của nó là sự hồi tưởng về một mối tình xưa cũ của chính ông. Nhưng có lẽ nếu không tìm hiểu thì ít ai biết đến rằng hoàn cảnh ra đời của ca khúc không phải chỉ là nỗi nhớ, hồi ức của ông về người cũ, và còn là sự áp lực về kinh tế gia đình.

Nhạc sĩ Anh Việt Thu

 

Mời quý vị nghe ca khúc “Người Ngoài Phố” Trình bày: Phương Đại

Bấm vào để nghe “Người Ngoài Phố” Trình bày: Phương Đại

Năm đó, ngoài phố người người, nhà nhà đang vui vẻ, háo hức qua lại mua sắm tết. Còn nhạc sĩ Anh Việt Thu thì thẫn thờ bước ra khỏi hãng Dĩa hát Việt Nam. Nơi đây vừa từ chối cho ông vay tiền để sắm tết, vì đã lâu ông chưa có bài hát mới để bán hơn nữa nợ cũ vẫn chưa trả xong. Nhìn dòng người nhộn nhịp qua lại trên phố, ông không khỏi chạnh lòng cho hoàn cảnh “không xu dính túi” của chính mình. Ông cứ thế lê đôi chân buồn bã nhìn dòng người qua lại tấp nập trên phố. Và ngay trong buổi chiều hôm đó, tác phẩm Người Ngoài Phố (còn được gọi với một tên khác là Người Đi Ngoài Phố) được ra đời. Bài hát này chính là cứu cánh của cuộc đời ông, nó không chỉ giúp ông thanh toán được món nợ cũ mà còn dư dả tiền để lo cho cái tết của mình:

Hình ảnh người đi ngoài phố thẫn thờ và bơ vơ chính là ông của ngày hôm đó, cái ngày định mệnh cho ra một ca khúc định mệnh (cười):

Người đi đi ngoài phố, chiều nắng tắt bên song.

Người đi đi ngoài phố, bóng dáng xưa êm đềm

Thành ghế đá chiều công viên,

Ngày xưa, ngày xưa, ngày xưa đã hết rồi.

Người đi đi ngoài phố, chừng bỡ ngỡ bơ vơ

Người đi đi ngoài phố, mấy dấu chân lạc loài

Hình bóng cũ người xa xưa

Còn đâu, còn đâu? Tình duyên đã lỡ làng.

Trong một buổi chiều ánh nắng đã tắt bên song cửa, bóng dáng thướt tha của người xưa lại hiện hữu trong tâm trí của chàng trai. Những nơi mà anh đặt chân bước qua, mỗi mỗi nơi, mỗi một sự vật đều in hằn bóng hình của “người xa xưa”. Anh đi trong vô thức, trong bơ vơ, và lạc loài giữa một dòng người tấp nập và ngỡ ngàng thêm một lần nữa vì tình xưa nay đã vụt mất trong tầm tay.

Mời quý vị nghe ca khúc “Người Ngoài Phố” Trình bày: Như Quỳnh

Bấm vào để nghe “Người Ngoài Phố” Trình bày: Như Quỳnh

Mối tình đầu không trọn vẹn, khi hai người buộc phải chia tay trong nước mắt. Biết rằng tình yêu lỡ bước, sẽ là niềm đau mang theo hai người đến hết cả quãng đời còn lại, nhưng làm sao để có thể ngăn cản được tình yêu? Vậy nên, phải chấp nhận thôi, số phận của hai người chính là phải chia lìa từ đây.

Thôi chia tay nhau từ đây, nghe nước mắt vây quanh.

Biết lỡ yêu đương, sẽ đau thương suốt cả một đời.

Nhưng mấy khi tình đầu, kết thành duyên mong ước

Mấy khi tình đầu, kết tròn mộng đâu em.

Xin từ giã đường phố trắng mưa mau

Làm chim bay mỏi cánh nước mắt đêm tạ từ

Thành phố cũ người yêu xưa

Còn đâu, còn đâu? Giờ đây xin giã từ.

Mỗi lần nhớ lại là một lần đau thêm trong lòng một ít. Nhìn cơn mưa trên phố cứ ngỡ là nước mắt rơi trong lòng. Giờ còn lại gì nơi chốn cũ ấy? Thứ còn lại chỉ là một thành phố với những kí ức đọng lại về người yêu xưa cũ. Nên để bớt đi đau thương trong cõi lòng, anh đành nói lời “giã từ” nơi chốn cũ và cả “người yêu xưa” ấy.

Mời quý vị nghe ca khúc “Người Ngoài Phố” Trình bày: Hương Lan

Bấm vào để nghe “Người Ngoài Phố” Trình bày: Hương Lan

Có lẽ ngay cả chính nhạc sĩ Anh Việt Thu cũng không thể ngờ bài hát lại được đón nhận nồng nhiệt đến vậy. Và càng không thể ngờ rằng nó được đón nhận cho đến tận ngày hôm nay, bất chấp cả các khoảng cách về thế hệ.

Ca khúc được thể hiện đầu tiên bởi ca sĩ Phương Đại trong Ban tam ca Sao băng. Sau đó là các tên tuổi nổi tiếng như Thanh Tuyền, Hương Lan…Ngày nay thì có Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng,... Bất kể là ai hát, thì bài hát cũng được khán giả đón nhận rất rất nhiệt tình.

Nhạc xưa chuyện cũ biên soạn