Nhạc sĩ Cung Tiến sinh năm 1938 tại Hà Nội, tên thật là Cung Thúc Tiến. Ông là một trong số những nhạc sĩ nhạc vàng Việt Nam nổi tiếng theo dòng nhạc tiền chiến. Khi mới 14, 15 tuổi cái tên Cung Tiến đã khiến bao con người phải trầm trồ, thán phục và ngưỡng mộ khi cho ra mắt hai ca khúc đầu tay là Thu Vàng và Hòa Cảm. Cả hai ca khúc ấy đến nay đều là những ca khúc bất tử theo thời gian, nhưng với ông, hai ca khúc ấy chỉ là hai ca khúc của buổi đầu bỡ ngỡ tập tành sáng tác mà thôi. Cho đến khi Hương Xưa ra đời, thì ông mới thực sự hài lòng và ưng ý.
Nhạc sĩ Cung Tiến (trái) - Danh ca Duy Trác (phải)
Ca khúc này được ông sáng tác vào khoảng năm 1956, 1957 để dành tặng người bạn của ông là danh ca Duy Trác.
Nói về hoàn cảnh sáng tác Hương Xưa, nhạc sĩ ông cho biết: “Hồi đó tôi học đệ nhất, bắt đầu mê nhạc cổ điển Tây phương lắm. Tôi nhớ thời hoàng kim, thời xưa của Việt Nam hãy còn hòa bình, nhớ lại cảnh hòa bình xưa của Việt Nam đẹp như thế nào, so với cảnh chiến tranh, lúc đó vào khoảng năm 1957-1958, so sánh hai trường hợp cảnh chιến tranh hiện đại và cảnh thanh bình hồi xưa của Việt Nam mà thành lời ca của bản Hương Xưa”.
Một con người được tiếp xúc sớm và yêu nhạc phương tây, nên âm nhạc của nhạc sĩ Cung Tiến có những nét độc đáo rất riêng. Bằng âm nhạc của chính mình ông đưa tình yêu quê hương, cảnh vật quê hương bước lên một tầm cao rất mới - bình dị nhưng cũng không kém phần sang trọng. Và Hương Xưa có lẽ chính là một trong những ca khúc có thể minh chứng cho điều đó:
Người ơi, một chiều nắng tơ vàng hiền hòa hồn có mơ xa?
Người ơi, đường xa lắm con đường về làng dìu mấy thuyền đò
Còn đó tiếng tre êm ru
Còn đó bóng đa hẹn hò
Còn đó những đêm sao mờ hồn ta mênh mông nghe sáo vi vu
Mời quý vị nghe lại ca khúc “Hương Xưa” Trình bày: Duy Trác
Bấm vào giữa hình trên để nghe “Hương Xưa” Trình bày: Duy Trác
Mời quý vị nghe lại ca khúc “Hương Xưa” Trình bày: Lệ Thu
Bấm vào giữa hình trên để nghe “Hương Xưa” Trình bày: Lệ Thu
Một khung cảnh đầy thơ mộng đang hiện ra trong tâm trí của một người, dù không nói rõ nhưng tôi thiết nghĩ đó là một chàng trai, một chàng trai đang ở phương xa đang ngắm nhìn “một chiều nắng tơ vàng hiền hòa” mà đắm chìm tâm hồn mình vào một giấc mơ nơi miền xa xôi, nơi vốn dĩ đã rất quen thuộc, nơi vốn dĩ sẽ sống mãi đời người giờ lại chia xa. Trong tâm trí anh, cũng một buổi chiều vàng, nơi con đường “về làng dìu mấy thuyền đò”, nơi vẫn luôn “còn đó tiếng tre êm ru”, vẫn luôn “còn đó bóng đa hẹn hò” và luôn “còn đó những đêm sao mờ hồn ta mênh mông nghe sáo vi vu” - Êm đềm và lãng mạn, cảnh sắc nơi quê nhà có bóng người con gái anh thương cùng những lần hò hẹn…
Tha thiết, mênh mang nỗi nhớ ở trong tim, anh nhớ mãi “người ơi!” còn nhớ mãi. Đến bây giờ anh vẫn “còn nhớ mãi trưa nào thời nào vàng bướm bên ao”, anh vẫn “còn nghe mãi tiếng ru êm êm buồn trong ca dao”. Trong tâm trí anh vẫn vẹn nguyên “còn đó tiếng khung quay tơ”, cũng “còn đó con diều vật vờ” trên bầu trời thân quên, và “còn đó, nói bao nhiêu lời thương yêu đến kiếp nào cho vừa”?? Tất cả vẫn luôn còn đó, trong giấc mơ từng ngày, còn đó in đậm trong tâm trí của anh.
Người ơi, còn nhớ mãi trưa nào thời nào vàng bướm bên ao
Người ơi, còn nghe mãi tiếng ru êm êm buồn trong ca dao
Còn đó tiếng khung quay tơ,
Còn đó con diều vật vờ
Còn đó, nói bao nhiêu lời thương yêu đến kiếp nào cho vừa
Mời quý vị nghe lại ca khúc “Hương Xưa” Trình bày: Tuấn Ngọc
Bấm vào giữa hình trên để nghe “Hương Xưa” Trình bày: Tuấn Ngọc
Nỗi nhớ, niềm thương “ôi!” làm sao có thể nói lên thành lời cho bằng hết, “những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một kiếp xa xôi”. Cuộc đời vẫn cứ trôi đi, đẩy đưa con người ta đến một bến bờ mà không thể nào đoán trước, đẩy đưa anh đến một nỗi buồn man mác cả tâm can - Nhưng muôn đời “Lời Đường Thi nghe vẫn rền trong sương mưa/ Dù có bao giờ lắng men đợi chờ” (Đường Thi ở đây có lẽ là nhạc sĩ muốn nhắc đến các bài thơ làm theo thể Đường luật từ xưa đến nay)
Ôi, những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một kiếp xa xôi
Buồn sớm đưa chân cuộc đời
Lời Đường Thi nghe vẫn rền trong sương mưa
Dù có bao giờ lắng men đợi chờ
Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa
Cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô-tô
Nên hồn tôi vẫn nghe trong mơ tiếng đàn đợi chờ mơ hồ
Vẫn thương muôn đời nàng Quỳnh Như thuở đó
Có thi (thơ) thì phải có ca, ở những câu tiếp thơ hồn anh đã được đắm chìm “trong mơ tiếng đàn đợi chờ mơ hồ”. Đó là âm thanh của “Nhị” (loại đàn 2 dây mà người miền Nam vẫn hay gọi là “đờn cò”) - “Hồ” (hay còn gọi là Hồ cầm, đàn làm bằng gỗ ngô đồng có 5 dây, tượng trưng cho ngũ hành) và “Nguyệt Cầm” ( loại đàn có thùng tròn như mặt trăng nên gọi là Nguyệt Cầm). và anh chìm đắm trong những câu chuyện dân gian của ngày xưa đời đời vẫn còn được lưu truyền: “Tình Nhị Hồ vẫn yêu âm xưa” - chính là nhắc nhớ đến Truyện Kiều, nhắc nhớ đến tình cảm tri âm của Thúy Kiều và Kim Trọng, dù có xa cách bao năm, tình cảm vẫn vẹn nguyên trong tâm trí. “Cung Nguyệt Cầm vẫn thương Cô-tô” - là nhắc về chuyện tình của Tây Thi, Ngô Phù Sai và Phạm Lãi, núi Cô Tô là ngọn núi ở phía tây Nam thành phố Tô Châu, Giang Tô, Trung Quốc. Nàng vốn là người tình của Phạm Lãi, quân sư của Việt Vương Câu Tiễn. Khi Câu Tiễn bị thất thế đành nếm mật nằm gai và dâng Tây Thi cho Ngô Vương Phù Sai. Say mê sắc đẹp của nàng, Ngô Vương sủng ái nàng hết mực, dóc cả của cải để trùng tu Cô Tô đài để làm chỗ ở cho nàng. Rồi ông bỏ bê triều chính, tạo cơ hội cho Câu Tiễn và Phạm Lãi lấy lại giang sơn. Tây Thi tuy sống trong nhung lụa và sự sủng hạnh của Ngô Vương nhưng lòng lại không bao giờ quên đi Phạm Lãi.
Trong chỉ một đoạn ca ngắn mà nhạc sĩ Cung Tiến đã nhắc đến cả điển tích của Việt Nam và Trung Quốc, sự hiểu biết và tinh tế của ông thực sự là hơn người.
Những con người mà ông đã nhắc đến, đều ở trong thời thế của cuộc đời mà buộc phải rẽ theo các hướng đi khắc nhau, nhưng dù vậy trong lòng họ vẫn luôn hướng về nơi đầu tiên, mối tình đầu tiên không thể nào quên được. Như chính anh lúc này vậy, người một nơi nhưng lòng lại hướng về một nơi, nơi mà “dù đã quên lời hẹn hò” những “những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một giấc ai mơ”, nơi mà “thời Hoàng Kim xa quá chìm trong phôi pha” thì vẫn luôn “chờ đến bao giờ tái sinh cho người”.
Ôi, những đêm dài hồn vẫn mơ hoài một giấc ai mơ
Dù đã quên lời hẹn hò
Thời Hoàng Kim xa quá chìm trong phôi pha
Chờ đến bao giờ tái sinh cho người
Cuộc đời con người, trong mắt anh là được “lập từ những đêm hoang sơ”, “thanh bình như bóng trưa đơn sơ” - đó chính là cái gọi là tuổi thơ, nhưng khi đã lớn lên, những khó khăn, những lo toan của cuộc sống sẽ đè nặng lên đôi vai nhỏ bé của mỗi người, sẽ không còn đâu nữa những ngày tháng vô tư… Đến cuối cuộc đời, con người, ai cũng thế sẽ tan biến trong hư vô.
Đây cũng như là đoạn ca được nhạc miêu tả về tỉnh cảnh của nước nhà hiện tại, từ thuở khai sơ, đến khi lập quốc. Yên bình chẳng được bao lâu đất nước đã phải chịu sự chia cắt hai phương trời. Đời người như cơn gió nhẹ, cứ thoáng qua rồi mất đi, trong đau thương và oán hận, trong “máu xương tơi bời nhiều mùa thu”.
Đời lập từ những đêm hoang sơ
Thanh bình như bóng trưa đơn sơ
Nay đời tan biến trong hư vô,
chết đầy từng mồ oán thù.
máu xương tơi bời nhiều mùa thu
Nhưng “người ơi!” hãy hy vọng, vì một “chiều nào có nắng vàng hiền hòa sưởi ấm nơi nơi”, vì một “chiều nào có thu về cho tôi nhặt lá thu rơi”. Cho dù “Tình có ghi lên đôi môi/ Sầu có phai nhòa cuộc đời” thì “người vẫn thương yêu loài người và yên vui cuộc sống vui”.
Người ơi, chiều nào có nắng vàng hiền hòa sưởi ấm nơi nơi?
Người ơi, chiều nào có thu về cho tôi nhặt lá thu rơi?
Tình có ghi lên đôi môi
Sầu có phai nhòa cuộc đời
Người vẫn thương yêu loài người và yên vui cuộc sống vui.
Đời êm như tiếng hát của lứa đôi,
Đời êm như tiếng hát của lứa đôi
Cuộc đời đến một ngày của tương lai không xa sẽ “êm như tiếng hát của lứa đôi” - “êm như tiếng hát của lứa đôi”.
Mây đen sẽ tan biến, trả lại trên bầu trời một màu xanh tươi sáng, màu xanh của hy vọng, màu xanh của hòa bình. Trong không gian sẽ tràn ngập một mùi Hương Xưa, một mùi hương của sự trong lành, của sự thanh cao và yên bình của nhạc sĩ Cung Tiến đã mang lại cho chúng ta, qua tiếng hát vút cao của người bạn Duy Trác.
Lối Cũ biên soạn