Tuyển tập hơn 70 hình ảnh tuyệt đẹp về "chợ Cũ" xưa - Nơi có nhiều kỷ niệm đối với dân Sài Gòn _ NXCC

   

Chợ cũ Tôn Thất Đạm đã chấm dứt hoạt động trong năm 2017 nhưng ngôi chợ này vẫn luôn in rõ trong ký ức người Sài Gòn.

Tôi biết đến Chợ cũ từ một quán ăn vào năm 1969. Đó là quán ăn của người Hoa mang tên Chí Tài trên đường Võ Di Nguy (nay là Hồ Tùng Mậu). Sở dĩ tôi nhớ đời cái tên quán Chí Tài – không phải vì giống tên một danh hài đâu – mà vì hôm đó tôi cũng thấy thần tượng của mình là kịch sĩ kiêm diễn viên điện ảnh La Thoại Tân đang ngồi ăn trong quán cùng một người bạn. Lớn lên, tôi mới vỡ lẽ rằng đây là quán ăn được nhiều người nổi tiếng trong giới văn nghệ và quan quyền đến thưởng thức món cơm tay cầm còn được gọi là cơm thố. Chợ cũ của tôi chỉ là đường Võ Di Nguy có quán ăn Chí Tài này.

SAIGON 1965 – Chợ Cũ, đường Hàm Nghi. Photo by Wilbur E. Garrett

Khi lớn lên chút nữa, tôi biết Chợ cũ có thêm ngôi chợ ở đường Tôn Thất Đạm, từ đầu đường Hàm Nghi và đụng ngay góc đường Huỳnh Thúc Kháng. Đây là một ngôi chợ dành cho nhà khá giả, khác với chợ Bến Thành, có những mặt hàng chuyên biệt theo “gu” Pháp hay Mỹ – và nhiều nhất là Mỹ. Ngoài những gian hàng bán thịt bò, thịt heo, hải sản cao cấp, cũng có những gian hàng bán đồ Mỹ như xúc xích, đồ hộp, gạo sấy dành riêng cho lính Mỹ, những gói thuốc Salem, Pall Mall, LucKy… nho nhỏ chỉ có bốn điếu một hộp, những gói cà phê bột uống chua lét.

Ngôi chợ thành lập lúc nào cũng chẳng ai xác định được, chỉ biết là có từ lâu lắm. Một lão làng “đại ca” đã giải thích hồi xưa nơi đây là khu vực chợ của người Hoa. Khi Tổng thống Ngô Đình Diệm lên chấp chánh liền giải tán chợ này, di chuyển người Hoa vào Chợ Lớn thành lập Chợ Lớn Mới nên khu chợ Tôn Thất Đạm được gọi là Chợ cũ.

Dãy tiệm thịt quay chợ Cũ nổi tiếng trước 1975 trên đường Hàm Nghi, hiện chỉ còn một tiệm (Thiên Nhiên – tiệm giữa, có mấy khách hàng phía trước) – Ảnh tư liệu

Đầu thế kỷ 17, khi người Việt đến lập nghiệp ở phương nam, chợ Bến Thành đầu tiên nằm ven kênh Chợ Vải là một trong vài bến ghe tàu của thành Gia Định, tụ tập hàng trăm thứ hàng hóa, dọc bến sông thuyền buôn lớn nhỏ nối liền nhau. Theo tư liệu người xưa để lại thì sau khi Pháp chiếm Nam kỳ năm 1859, ngôi chợ này được xây dựng dãy nhà lồng, gọi là Marché de Saigon với năm gian cột gỗ, lợp mái lá nằm sâu trong kênh Chợ Vải, trên đường Charner (nay là đường Nguyễn Huệ) nằm giữa 4 con đường là: Nguyễn Huệ – Hải Triều – Hồ Tùng Mậu – Ngô Đức Kế.

Chợ Bến Thành đầu tiên bên kênh Chợ Vải đi vào lịch sử với tên Chợ cũ khi kênh Chợ Vải bị lấp trở thành đường Charner vào năm 1877. Khu Chợ cũ cũng bị phá đi để xây tòa nhà ngân khố mới thay thế tòa ngân khố cũ trên đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi) và tiếp đến chợ Bến Thành Mới “tân khai thị” vào tháng 3.1914. Những người Hoa dù không còn dựa vào kênh Chợ Vải nhưng đã buôn bán lâu năm nên vẫn quyết chí bám trụ, dời xuống phía dưới để mở một khu vực chợ của họ mang tên Chợ cũ. Không nhà lồng chợ, không bảng tên, chỉ buôn bán trên vỉa hè vậy mà Chợ cũ vẫn sống rất khỏe, hùng cứ cả hai con đường nhỏ Tôn Thất Đạm, Võ Di Nguy (Hồ Tùng Mậu). Những người bán hàng tại đường Hàm Nghi gọi khu này là “chợ chạy” vì thường xuyên bị cảnh sát rượt chạy vô đường Tôn Thất Đạm, Tôn Thất Thiệp, Huỳnh Thúc Kháng… do buôn bán trên vỉa hè, lòng đường như kiểu chợ trời.

Saigon 1967 – Chợ cũ – góc Hàm Nghi – Võ Di Nguy

Không chỉ là tên chợ

Sau này, người Sài Gòn thường gọi Chợ cũ không phải chỉ tên một ngôi chợ cụ thể mà là nói về một khu vực. Khu vực Chợ cũ. Chợ cũ có thể là chợ Tôn Thất Đạm nhưng người ta cũng hàm ý đó là một khu vực lớn bao gồm những con đường trong tứ giác Hàm Nghi, Nguyễn Huệ, Pasteur, Tôn Thất Thiệp. Thậm chí có khi còn “vượt biên” sang khu vực có quán hủ tíu cá Nam Lợi (gần đường Nguyễn Công Trứ).

Khu vực Chợ cũ rộng lớn này đã hình thành rất nhiều cái chợ mang tên “nhánh” như Chợ chim rồi Chợ chó trên lề đường Hàm Nghi phía sau lưng Trường Cao Thắng từ những năm 1950. Cũng có thời dọc đường Hàm Nghi là chợ bán đồ thờ cúng, đồ mã với liễn, hoành phi, tấm vãng… Người ta không quên khu vực Chợ cũ dọc đường Hàm Nghi sau ngày 30/4/1975, là một khu chợ trời tấp nập với hai sạp hàng đối mặt nhau, chỉ có một lối đi ở giữa… Khu vực Huỳnh Thúc Kháng đầy những mặt hàng mà nhiều khách hàng mua gửi về Trung hay Bắc như ti vi, tủ lạnh, máy thu băng, quạt máy… Riêng chợ Tôn Thất Đạm vào thời bao cấp cũng là nơi trao đổi hàng hóa phân phối đường, sữa, gạo và cung cấp những mặt hàng tươi sống thuộc loại cao cấp như thịt bò, tôm càng.

Cho đến nay, 50 năm từ khi hình thành, chợ Tôn Thất Đạm vừa được gọi là chợ nhà giàu hay chợ quê vì bán đủ thứ từ hàng cao cấp đến con tôm, con cá, cọng rau… đã phơi bày sự rệu rã bởi những mái tôn chằng chụp, những tấm bạt che kiểu dã chiến và theo một số hộ chung cư cho biết là không khí luôn bốc mùi hôi tanh của cá, tôm khi về chiều…

Dù chợ Tôn Thất Đạm có bị giải tỏa trắng vì quá xuống cấp, vì ngôi chợ này nằm trên lòng đường, giữa chợ lại có một trường tiểu học, giờ tan tầm tập trung rất đông người qua lại, gây mất trật tự đô thị cũng như nguy cơ về cháy nổ, thì tên Chợ cũ vẫn còn. Có những khu chợ được đặt tên mới nhưng người ta vẫn quen gọi tên chợ cũ…

Mời quý vị xem thêm những hình ảnh hiếm và tuyệt đẹp về "chợ Cũ" xưa:

Chợ Cũ 1968 - Xe Ngựa (góc Hàm Nghi - Võ Di Nguy)

 

góc Hàm Nghi - Võ Di Nguy

 

Chợ Cũ 1966 (góc Hàm Nghi - Võ Di Nguy)

Chợ Cũ 1965, góc Hàm Nghi - Võ Di Nguy (Hồ Tùng Mậu)

 

SAIGON 1968-69 - Chợ Cũ, trước cửa tiệm chạp phô góc Hàm Nghi - Võ Di Nguy. Phía xa là Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín góc Hàm Nghi-Tôn Thất Đạm đang xây dựng.

Chợ Cũ - Góc Hàm Nghi - Võ Di Nguy (nay là tiệm Như Lan, góc Hàm Nghi - Hồ Tùng Mậu)

 

Chợ Cũ, đường Hàm Nghi

SAIGON 1972 - Đai lộ Hàm Nghi, Chợ cũ, nhìn từ góc Hàm Nghi-Tôn Thất Đạm (phía trước Ngân hàng Việt Nam Thương Tín)

Saigon 1989 - Chợ cũ đường Hàm Nghi (Ảnh: Doi Kuro)

Saigon 1990 - Một bé gái đang đọc sách chờ mẹ đi chợ - Chợ Cũ, góc Hàm Nghi-Tôn Thất Đạm (Ảnh: Doi Kuro)

 

Saigon 1990 - Đường Hồ Tùng Mậu, trước 1975 là Võ Di Nguy (khu Chợ Cũ, Ảnh: Doi Kuro)

SAIGON 1967 - Đường Võ Di Nguy, Chợ Cũ (nay là đường Hồ Tùng Mậu) - by HG Waite

SAIGON 1962 - Chợ Cũ - Những người đẹp đang dạo phố với nụ cười rạng ngời

Saigon 1965-66 - Chợ Cũ đường Hàm Nghi - by Thomas W. Johnson

 

SAIGON 1968-69 ,Chợ Cũ - Đường Võ Di Nguy. Cuối đường Võ Di Nguy (phía xa bên phải hình) là đường Tôn Thất Thiệp.

Saigon 1965-66 - Đường Hàm nghi, Chợ cũ - Photo by Thomas W. Johnson

 Saigon 1965-66 - Đường Tôn Thất Đạm, Chợ cũ - by Thomas W. Johnson

SAIGON 1970-71 - Chợ Cũ - Hiệu thuốc bắc Quảng Thái Hòa (Ảnh: Richard E. Wood Collection)

 

SAIGON 1970-71 - Đường Tôn Thất Đạm, Chợ Cũ - Richard E. Wood Collection

Chợ cũ Saigon 1967 - Hiệu thuốc bắc Quảng Thái Hòa (Ảnh: Noel Mckeehan)

SAIGON 1969-70 - Chợ Cũ đường Hàm Nghi. Photo by David Staszak. Đèn xanh phía trước là ngã tư Hàm Nghi-Pasteur. Đoạn từ Pasteur đến Công Lý là chợ bán thú nuôi, chim chó cảnh...

SAIGON 1969-70 - Chợ Cũ - đường Tôn Thất Đạm nhìn vào từ đường Hàm Nghi (Ảnh: Jim McCormick)

Chợ Cũ, đường Hàm Nghi năm 1950

Saigon 1965 - Đường Tôn Thất Đạm đi ra hướng chợ cũ - Rạp Nam Việt

Bánh mì phá lấu

Cuối tuần mời bà con đi dạo chợ cũ. Ai nhiều tiền thì đi siêu thị, ai ít tiền thì đi dạo chợ cũ sắm đồ secondhand. Đói thì đã có bánh mì phá lấu, cứ đứng ngay đó mà ăn. Đây là một món fast food của VN, ăn bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu, tùy thích... (mà ngày xưa đi qua hàng này nhiều lần mình cũng chưa thử món này lần nào, thế mới tiếc chứ!)

Saigon 1971 - Đầu đường Tôn Thất Đạm, Chợ Cũ

Saigon 1966 - Chợ Cũ, góc Hàm Nghi-Tôn Thất Đạm

Saigon 1966 - Hàm Nghi Blvd - Chợ Cũ. Tiệm Thịt Thái Hưng

Góc Tôn Thất Đạm đối diện tiệm vàng Việt Xuân. Phía xa là hàng cá cảnh. Dãy cá cảnh này có ba người chủ (1968)

1965 Chợ cũ, đường Võ Di Nguy, nay là Hồ Tùng Mậu. Mấy kiosk bán đồ dùng cho học trò như cặp táp, sandal nhựa đúc dùng trong đồng phục của mấy trường Tàu, làm bằng da bò rất bền.

SAIGON 1966 - Góc Hàm Nghi-Tôn Thất Đạm - Chợ cũ (Photo by Rich Krebs Capt, USNR Ret)

Chợ Cũ - Giao lộ Hàm Nghi-Tôn Thất Đạm

1970 - Chợ trời đường Hàm Nghi, đoạn giữa Pasteur và Công Lý phía sau trường Kỹ thuật Cao Thắng (cổng chính trên đường Huỳnh Thúc Kháng).

Đường Tôn Thất Đạm, phía trước là ngã tư Hàm Nghi-Tôn Thất Đạm. Góc trên bên phải là tòa nhà Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín góc Hàm Nghi-Tôn Thất Đạm (1971)

Biên soạn theo Lê Văn Nghĩa / Thoibao.com

Nguồn ảnh: manhhai flickr